Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội: Vì sao khó giải ngân?
Công nghệ - Ngày đăng : 07:34, 29/07/2022
Loay hoay với các thủ tục pháp lý
Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội được thành lập năm 2014 theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, với kỳ vọng cải thiện thủ tục thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cấp kinh phí cũng như thu hút nguồn lực xã hội đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ, mà hiện tại vẫn trông chờ chủ yếu vào nguồn ngân sách nhà nước.
Tháng 2-2018, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố được sáp nhập vào Quỹ Đầu tư phát triển thành phố theo Quyết định số 714/QĐ-UBND của UBND thành phố. Quỹ Đầu tư phát triển thành phố được ủy thác quản lý nguồn vốn và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố theo các quy định của pháp luật liên quan. Cụ thể: Tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ của thành phố.
Phó Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Nguyễn Thế Hiệp cho biết, hiện Quỹ Đầu tư phát triển thành phố chưa có đủ căn cứ triển khai, đẩy mạnh công tác khai thác cho vay, bảo lãnh vốn vay đối với các doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ. Bởi vậy, chưa thể cho doanh nghiệp nào vay được.
Về những khó khăn, vướng mắc, theo ông Nguyễn Thế Hiệp, có 2 vấn đề cụ thể. Đối với cơ chế quản trị Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố, theo các quy định hiện hành, Quỹ này là quỹ tài chính chuyên ngành, đặc thù của lĩnh vực khoa học và công nghệ; hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan quản lý chuyên ngành về khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Còn về chính sách hỗ trợ vay vốn, hiện Quỹ Đầu tư phát triển thành phố đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư - đơn vị chủ trì cùng liên ngành rà soát tổng hợp, hoàn thiện, trình thành phố phê duyệt, quyết định ủy thác giao Quỹ Đầu tư phát triển thành phố quản lý nguồn vốn và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố để có cơ sở triển khai.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Hiệp, một số quy định làm căn cứ xây dựng chính sách hỗ trợ cho vay được ban hành từ năm 2015 không còn phù hợp và không hấp dẫn các doanh nghiệp (như với mức lãi suất bằng lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, khá cao so với mặt bằng chung); một số văn bản làm căn cứ áp dụng, vận dụng để xây dựng quyết định ủy thác có thay đổi hoặc đang xem xét điều chỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc tham mưu xây dựng cơ chế ưu đãi hỗ trợ vốn tín dụng, báo cáo UBND thành phố xem xét phê duyệt để triển khai thực hiện.
Theo quy định, doanh nghiệp nhà nước phải trích ít nhất 3% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, nếu không sử dụng hết thì đóng vào Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu, vì Hà Nội đã thực hiện sáp nhập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố vào Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, nên không còn Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ. Do đó, việc nhận điều chuyển một phần Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp là không đủ cơ sở để thực hiện.
Gỡ vướng, giải phóng nguồn lực
Theo Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu, mô hình sáp nhập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố với Quỹ Đầu tư phát triển thành phố là “độc nhất vô nhị”. Đây là một trong các lý do mà sau 4 năm sáp nhập quỹ, vẫn loay hoay với các tờ trình, xin ý kiến... để hoàn thiện thủ tục pháp lý, mà chưa cho doanh nghiệp nào vay được trong khi vốn điều lệ đã được cấp khoảng 50 tỷ đồng.
Có ý kiến cho rằng, nên chuyển Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố về lại Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Song, có ý kiến khác lại cho rằng, chuyển về Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng không khả quan hơn bởi một số tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, như: Bình Định, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... cũng gặp khó khăn trong hoạt động (các quỹ này hoạt động theo điều lệ mẫu, quy định tại Thông tư số 03/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ).
Có lẽ, các khó khăn nêu trên do cơ chế chưa phù hợp. Quỹ Đầu tư phát triển thành phố không có nghiệp vụ về khoa học và công nghệ. Trong khi đó, các hoạt động cho vay, bảo lãnh vốn vay, huy động vốn ngoài ngân sách là những việc vượt quá chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ. Không những thế, theo quy định, mỗi Sở Khoa học và Công nghệ chỉ có 2 đơn vị sự nghiệp công lập, không có Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ. Trong chức năng, nhiệm vụ của Sở Khoa học và Công nghệ quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BKHCN không đề cập đến các nội dung liên quan đến hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ.
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Thông tư này được kỳ vọng có thể giúp các doanh nghiệp thoát khỏi những trở ngại, vướng mắc mà họ gặp phải từ khi trích doanh thu lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp. Đối với Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương rất cần Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá lại tình hình triển khai Thông tư số 03/2015/ TT-BKHCN và có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, khơi thông nguồn quỹ hoạt động đúng mục đích.