Hãy đặt nguyện vọng vào ngành Y
Giáo dục - Ngày đăng : 20:34, 29/07/2022
* Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế:
Ngưỡng điểm như vậy phù hợp với cả trường công lập và trường ngoài công lập, nhất là với các ngành lớn như y đa khoa, dược, điều dưỡng, kỹ thuật viên - những đối tượng mà ngành Y tế đang rất cần.
Cùng với ngành sư phạm, ngành Y là một ngành cao quý. Qua đại dịch Covid-19 vừa rồi, rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã giỏi hơn rất nhiều, làm tốt hơn nhiều công việc của mình. Nói chung, những người theo ngành Y là những người tâm huyết, vì cộng đồng, vì sức khỏe người dân. Đây là niềm hạnh phúc, là mong muốn của nhiều người, dù rằng đặc thù công việc vốn luôn rất vất vả. Các em hãy suy nghĩ và nếu thực sự mong muốn, có năng lực phù hợp thì hãy đặt nguyện vọng vào ngành Y, tự tin tiến vào các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khỏe để cống hiến vì sức khỏe của người dân trong tương lai.
* Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường Đại học Y Hà Nội: Quyết định phương án điểm sàn được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, bao gồm: Phân tích tổng điểm của các môn toán, hóa học, sinh học thuộc tổ hợp B00 và so sánh với kết quả các năm 2020, 2021; phân tích đánh giá mức độ khó, mức độ phân hóa của các môn toán, hóa học, sinh học của năm 2022 so với các năm 2020, 2021; các điều kiện tổ chức học tập của học sinh phổ thông.
Trên cơ sở tổng chỉ tiêu của các trường có đào tạo ngành sức khỏe, tôi cho rằng mức điểm này là phù hợp. Thứ nhất là bảo đảm được chất lượng để các em có thể theo đuổi, học được các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe mà không ảnh hưởng đến việc đáp ứng các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Thứ hai, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và yêu cầu đổi mới của chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng sức khỏe người dân và nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế của đất nước trong thời gian tới, tầm nhìn đến năm 2025-2030.
Trường Đại học Y Hà Nội xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo của nhà trường tương tự như năm 2020, ổn định đến năm 2025 bao gồm cả ngành đào tạo và tổng quy mô đào tạo. Nhà trường áp dụng 5 phương thức tuyển sinh. Khi các phương thức tuyển thẳng không tuyển đủ chỉ tiêu, nhà trường chuyển số chỉ tiêu này để xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, thí sinh có điểm cao hãy mạnh dạn lựa chọn, đăng ký vào trường trên cơ sở tổng điểm 3 môn toán, hóa học, sinh học.
Do số lượng thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển đại học cao hơn năm 2021, nên để tránh quá tải hệ thống, sau khi tìm hiểu, các em nên đăng ký nguyện vọng sớm, không nên để dồn vào những ngày cuối cùng.
* Tiến sĩ Vũ Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định: Năm nay, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển đại học nhưng cần lưu ý: Đăng ký nguyện vọng đầu tiên phải là ngành/trường mình yêu thích và muốn học nhất căn cứ vào điểm sàn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố.
Theo đề án tuyển sinh, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định năm nay xác định hơn 900 chỉ tiêu, phân bổ cho 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả điểm học bạ và xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Các thí sinh có nguyện vọng học tập tại trường, nếu đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì cần có điểm thi cao hơn điểm sàn và phải đặt nguyện vọng vào trường là nguyện vọng cao nhất.