Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản: Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:13, 31/08/2022

(HNM) - Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội xây dựng được 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, số lượng chuỗi liên kết tăng rất chậm, mà nguyên nhân được cho là những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các mô hình liên kết chưa áp dụng được vào thực tế. Khó khăn, bất cập này cần được nhanh chóng tháo gỡ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai). Ảnh: Nguyễn Quang

Còn "vùng trắng" chưa được hỗ trợ

Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) là mô hình hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Hiện nay, hợp tác xã có 15 phụ nữ tham gia liên kết sản xuất với các sản phẩm chủ lực là bưởi Diễn, rau xanh, lúa hữu cơ… Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến Vũ Thị Huyền cho biết: Do mới thành lập, nguồn vốn hạn chế, giá cả vật tư "đầu vào" thiếu ổn định nên hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Hợp tác xã mong muốn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết nhưng chưa thể tiếp cận.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), trong giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các chuỗi thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân tham gia, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, đến năm 2021 có 13 chuỗi ngừng hoạt động và chỉ thêm 17 chuỗi được thành lập mới. Như vậy, đến nay, Hà Nội có 145 chuỗi đang hoạt động, cho thấy tốc độ gia tăng các chuỗi ở mức rất thấp.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, chính sách hỗ trợ có nhiều nhưng chưa phù hợp khi áp dụng vào thực tế. Cụ thể, Trung ương và thành phố đều có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các mô hình liên kết chuỗi, như: Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và Nghị quyết số 10/ 2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội. “Chúng tôi đã triển khai các bước thẩm định dự án/kế hoạch liên kết chuỗi của các đơn vị gửi về Sở NN&PTNT đúng lộ trình, nhưng gặp nhiều vướng mắc nên đến nay Hà Nội chưa hỗ trợ được dự án, kế hoạch liên kết nào...”, ông Nguyễn Văn Chí thông tin.

Ngoài ra, trong 145 chuỗi được hình thành theo 7 hình thức liên kết chuỗi quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP có 46 chuỗi liên kết theo hình thức “chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Kiểu liên kết này không bền vững do hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ (khi giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; khi giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp không thu mua sản phẩm của người sản xuất dẫn đến liên kết chuỗi bị phá vỡ). Từ năm 2020 đến cuối năm 2021 đã có 13 chuỗi liên kết bị rơi vào tình huống này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm chủ chuỗi liên kết còn lúng túng, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn quỹ ưu đãi của thành phố cũng như các ngân hàng thương mại.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) tại một điểm bán hàng trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Đỗ Tâm

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc

Thị trường tiêu thụ mở rộng, nhu cầu thực phẩm, sản phẩm nông sản giá trị cao ngày càng gia tăng đã thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi để thành phố Hà Nội kiểm soát, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường và ổn định khâu tiêu thụ, từ đó tăng sức cạnh tranh cho nông sản của Thủ đô.

Trước những vướng mắc trong chính sách hỗ trợ các mô hình liên kết chuỗi, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đề nghị Trung ương và thành phố sớm sửa đổi những điểm chưa hợp lý để tránh thiệt thòi cho đơn vị tham gia chuỗi. Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Khảm đề nghị thành phố hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng các liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ mới trong quản lý sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý đất, bảo vệ cây trồng để phát triển nông nghiệp sinh thái.

Để đẩy mạnh các chuỗi liên kết, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, Sở NN&PTNT đang rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất Trung ương và HĐND thành phố Hà Nội sửa đổi, bổ sung nội dung còn thiếu và nội dung chưa phù hợp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị Quỹ hỗ trợ phát triển thành phố và các ngân hàng thương mại có chính sách ưu đãi đối với các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, trong đó chủ chuỗi liên kết được vay vốn đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng thực tiễn của sản xuất và nhu cầu thị trường...

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Định (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT) cho biết, đơn vị đang chuẩn bị sơ kết 3 năm triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP nhằm tổng hợp kết quả thực hiện của các địa phương, báo cáo Chính phủ điều chỉnh chính sách cho sát thực tiễn, thiết thực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân...

Nguyễn Mai