OCOP khơi dậy khát vọng làm giàu
Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 29/07/2022
Chắp cánh khởi nghiệp
7 năm trước, từ một luật sư, chị Bùi Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam (xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ) đã rẽ sang một ngả mới - đó là phát triển trang trại trồng hoa hồng và chưng cất hoa làm mỹ phẩm. Năm 2021, tham gia Chương trình OCOP của thành phố, sản phẩm của công ty đã được phân hạng đạt 4 sao.
Chị Hằng cho biết, để được công nhận, các sản phẩm phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí từ đủ minh chứng về chất lượng của cơ quan chức năng đến mẫu mã, bao bì, câu chuyện giới thiệu sản phẩm. Do đó, tham gia Chương trình OCOP như một dàn ý giúp mỗi chủ thể hoàn thiện sản phẩm tốt hơn.
“Chương trình OCOP đã truyền cảm hứng làm kinh tế cho thế hệ trẻ. Sau nhiều năm làm việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài nước, tôi đã khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra và được xây dựng đóng góp cho quê hương”, chị Hằng nói.
Được các sở, ngành hỗ trợ, anh Phùng Đắc Dũng, thành viên Hợp tác xã Sản xuất nghệ và tinh dầu Bà Bé (thôn Dương Đá, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm) thường xuyên đưa sản phẩm OCOP tham dự các hội chợ trong và ngoài thành phố. Anh Dũng cho biết: “Từ nghề chế biến tinh bột nghệ gia truyền, gần đây, các thành viên trong gia đình đã phát triển thành hợp tác xã để hoạt động bài bản hơn. Đặc biệt, từ khi tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm của hợp tác xã được hỗ trợ bao bì nhãn mác dễ nhận diện, tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng nên sức tiêu thụ tốt hơn, quy mô sản xuất được mở rộng”.
Không chỉ ở khu vực ngoại thành, ngay trung tâm của thành phố, Công ty cổ phần Gia Trịnh (quận Hoàn Kiếm) đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021 và được công nhận 4 sao cho 8 sản phẩm. Chị Trịnh Hồng Giang, Giám đốc Công ty cho biết: "Công ty đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của thành phố và quận Hoàn Kiếm về quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường kinh doanh. Tại thời điểm này, công ty đang được Phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng OCOP trên phố Lý Nam Đế - phường Hàng Mã, nhằm quảng bá các sản phẩm tới người tiêu dùng".
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Chương trình OCOP nhằm hỗ trợ các chủ thể khai thác lợi thế là sản phẩm sẵn có ở địa phương (quy mô làng, xã), nâng cấp mẫu mã và chất lượng để trở thành các sản phẩm cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia, từ đó gia tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Tăng cường hỗ trợ các chủ thể
Thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho thấy, đến nay, toàn thành phố đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ NN&PTNT xem xét đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Với kết quả đạt được, Hà Nội đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia - 5 sao.
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, kiêm Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hà Nội cũng đặt mục tiêu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP; có ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả.
Để đẩy mạnh chương trình, thành phố Hà Nội sẽ tăng cường hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Theo đó, 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương. Mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Hằng năm, mỗi quận, huyện, thị xã phát triển ít nhất 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Hà Nội cũng sẽ tuyên truyền, vận động để 100% các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...).
Cùng với những hỗ trợ của thành phố, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cũng đề nghị các chủ thể có sản phẩm OCOP được UBND thành phố công nhận tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả, làm giàu cho mỗi người dân.