Ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến

Đời sống - Ngày đăng : 07:50, 30/07/2022

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), vi phạm bản quyền trực tuyến trên nền tảng số tại Việt Nam tập trung chủ yếu ở các nội dung: Bóng đá, phim, game show, âm nhạc. Mặc dù, cơ quan quản lý nhà nước đã chặn truy cập hơn 500 website vi phạm bản quyền, song tình trạng này vẫn diễn ra với hình thức tinh vi và thay đổi liên tục.

Vi phạm bản quyền trực tuyến không chỉ gây thiệt hại cho đơn vị sở hữu, cung cấp nội dung mà còn gián tiếp ảnh hưởng tới nguồn lực đầu tư cho xã hội. Theo báo cáo của Media Partners Asia (công ty truyền thông, quảng cáo của Malaysia), năm 2022, vi phạm bản quyền video trực tuyến có thể làm thất thoát 348 triệu USD. Nếu không được kiểm soát, đến năm 2027, doanh thu bị thất thoát là 456 triệu USD.

Trước thực tế trên, đơn vị sở hữu, cung cấp nội dung có thể lựa chọn các giải pháp công nghệ để chủ động phát hiện, xử lý vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, về quy trình xử lý, đại diện các đơn vị cung cấp nội dung cho rằng, cần phải rút ngắn thời gian ngăn chặn vi phạm bản quyền bằng cách cơ quan quản lý có thể thiết lập một công cụ kết nối giữa đơn vị phát sóng, sở hữu bản quyền (để thu thập các trang web vi phạm cần phải chặn cùng với các bằng chứng) với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Với công cụ kết nối như vậy, việc phát hiện, xử lý, chặn truy cập sẽ được thực hiện tự động và nhanh chóng hơn. Đồng thời, để tăng nhận thức của cộng đồng, bên cạnh tuyên truyền, cũng có thể áp dụng giải pháp công nghệ. Theo đó, người dùng truy cập vào các nền tảng vi phạm bản quyền sẽ được cảnh báo, chuyển hướng tới trang web chính thức và được hướng dẫn sử dụng dịch vụ hợp pháp.

Thanh Hà