Dự án lớn, cần quyết tâm cao
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:40, 31/07/2022
Hà Nội đã triển khai thực hiện dự án với tinh thần vào cuộc rất quyết liệt, khẩn trương. Đến nay, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng ban. UBND thành phố giao cơ quan chức năng lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường, trình phê duyệt trước ngày 15-8-2022...
Dự án có chiều dài khoảng 112,8km (đoạn qua Hà Nội dài 56,5km) với tổng mức đầu tư sơ bộ trên 85.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất sơ bộ khoảng 1.341ha; được chia thành ba nhóm với 7 dự án thành phần. Trong đó, nhóm một với 3 dự án giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, được coi là sự mở màn và cũng là khâu khó khăn nhất. Với Hà Nội, đây là nhiệm vụ đòi hỏi quyết tâm cao, trước hết và trực tiếp là 7 quận, huyện có dự án đi qua, gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông.
Mới đây, tại cuộc làm việc với huyện Sóc Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, thành phố sẽ phân cấp, giao quyền cho các quận, huyện thực hiện đồng bộ nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án Vành đai 4. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Cấp ủy, chính quyền huyện phải xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị để triển khai thực hiện sớm”.
Với tiến độ Quốc hội giao chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027, quỹ thời gian thực hiện dự án chỉ là 5 năm. Vì thế, mỗi địa phương phải cố gắng rút ngắn tiến độ của từng phần việc được giao. Đến nay, 7 quận, huyện đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, dự kiến nội dung, khối lượng công việc giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai cần được đẩy nhanh hơn nữa. Điều quan trọng là phải rà soát, xác định rõ khó khăn, thuận lợi của từng khu vực giải phóng mặt bằng để chủ động triển khai các giải pháp; tích cực tuyên truyền, vận động để nhân dân chia sẻ, đồng thuận...
Sự khởi đầu luôn là rất quan trọng và công tác giải phóng mặt bằng lại càng quan trọng hơn. Bởi thực tế đã cho thấy, khi không làm tốt công việc này ngay từ đầu, khiến người dân mất lòng tin thì khó khăn sẽ nhân lên gấp bội. Chính vì vậy, mấu chốt để thành công trong giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô là phải làm hết lòng, hết sức và làm thật tốt ngay từ đầu, nhất là công khai, minh bạch, đúng pháp luật; vận dụng tối đa cơ chế, chính sách vì quyền lợi chính đáng của người dân.
Bài học kinh nghiệm là phải phân công đúng người, đúng việc; kiểm soát tiến độ công việc theo mốc thời gian, khối lượng cụ thể; giao ban từng tuần, thậm chí từng ngày. Đặc biệt, phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; xây dựng các kênh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Khi có vấn đề phát sinh phải nhanh chóng làm rõ, kịp thời đối thoại với tổ chức, cá nhân liên quan với tinh thần cầu thị, vì lợi ích chung.
Điều quan trọng là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào cuộc với quyết tâm cao, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bởi thành công của dự án chính là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; là uy tín, danh dự không chỉ của thành phố mà còn của mỗi quận, huyện có dự án đi qua.