Giữ gìn dòng chảy từ quá khứ qua hiện tại đến tương lai

Văn hóa - Ngày đăng : 11:17, 31/07/2022

(HNMCT) - Việt Nam là nước có "trữ lượng" di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) giàu có nhất nhì khu vực Đông Nam Á, trong đó có 14 di sản đã được UNESCO ghi danh cùng hàng trăm di sản đã được đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia. Nguồn lực di sản không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tạo động lực bảo vệ bản sắc văn hóa cộng đồng.

Hơn 20 năm kể từ khi Luật Di sản văn hóa được thông qua (năm 2001), công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT đã cho thấy những mặt tích cực và cả những hạn chế. Vì thế, để DSVHPVT được bảo vệ và phát triển bền vững, cần có cái nhìn thấu đáo và cách tiếp cận linh hoạt trong thực tiễn...

Du khách quốc tế trải nghiệm tìm hiểu nghệ thuật hát xoan cùng cộng đồng người dân Phú Thọ.

Nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội 

Những năm qua, việc lập hồ sơ khoa học đưa di sản vào Danh mục DSVHPVT quốc gia hay đệ trình UNESCO ghi danh là cách thức bảo tồn di sản hiệu quả. Thông qua nghiên cứu, sưu tầm, điền dã, tư liệu hóa, kiểm kê..., di sản được nhận diện rõ hơn. Đó là cơ sở để các địa phương đề ra kế hoạch, chương trình, đề án bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT một cách kịp thời. Trong thực tế, đã có không ít DSVHPVT được bảo tồn phát huy giá trị, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. 

Điển hình nhất phải kể đến di sản Hát xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - hai di sản đã được UNESCO ghi danh. Đáng nói là, trong quá trình triển khai, tỉnh Phú Thọ đã dựa vào cộng đồng, đặc biệt là các nghệ nhân cao tuổi để khôi phục các làn điệu múa hát cổ, từ đó nhân rộng cộng đồng thực hành, tăng cường công tác truyền dạy và giáo dục di sản cho thế hệ trẻ... Nhờ đó, chỉ sau 6 năm (2011 - 2017), hát xoan được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. Việc này đã góp phần định vị thương hiệu, phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch.

Lễ hội là một trong 6 loại hình DSVHPVT của Việt Nam, trong đó bao gồm cả yếu tố vật thể (di tích gắn với lễ hội) và phi vật thể (thực hành nghi lễ). Riêng tại Hà Nội, theo số liệu của Đề án Tổng kiểm kê bảo vệ DSVHPVT Hà Nội năm 2013, thành phố có 1.206 lễ hội, trong đó các lễ hội như Lễ hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Tản Viên Sơn thánh, Lễ hội chùa Thầy... thường xuyên thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm và mang lại nguồn thu không nhỏ cho các địa phương. Từ đây, các địa phương có thêm nguồn lực tái đầu tư cho công tác tu bổ di tích; hỗ trợ cộng đồng và người thực hành tiếp tục giữ gìn di sản đồng thời có thêm nguồn sinh kế ổn định.

Nghề thủ công truyền thống cũng là một trong những loại hình DSVHPVT được trao truyền từ đời này sang đời khác. Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nghề thủ công truyền thống không chỉ lưu giữ các giá trị văn hóa, tri thức dân gian mà còn giúp cộng đồng và cá nhân phát triển kinh tế hiệu quả.

“Ở Việt Nam hiện có khá nhiều DSVHPVT đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Nhiều doanh nhân thành đạt nhờ di sản và là chủ thể di sản hoặc người sáng tạo ra các sản phẩm mới như nghệ nhân nhân dân Vũ Văn Giỏi với nghề thêu Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế ở Làng tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) hay nghệ nhân Đàng Xem ở Làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận)...” - bà Lý chia sẻ.

Lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) được bảo tồn và phát huy giá trị tốt sau khi được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bảo tồn nhưng không "đóng băng" 

Có thể thấy, bảo tồn DSVHPVT và phát triển kinh tế từ lâu đã có tác động qua lại lẫn nhau. Đây cũng là một trong những khuyến nghị của UNESCO. Công tác bảo tồn di sản giống như việc giữ gìn “dòng sông” chảy từ quá khứ qua hiện tại đến tương lai. Nếu chỉ bảo tồn dựa trên khái niệm giữ gìn những yếu tố nguyên gốc, nguyên trạng của quá khứ và đưa vào thực tại thì DSVHPVT sẽ bị “đóng băng”, không thể thích nghi với cuộc sống mới. Trong khi đó, xã hội, người thực hành và cộng đồng nắm giữ di sản không ngừng phát triển. Vì thế, quan điểm bảo tồn “động” di sản - giữ gìn di sản trên cơ sở kế thừa và phát triển một cách hài hòa là cách tiếp cận phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương còn chưa nhận thức đồng đều về lĩnh vực DSVHPVT. Nhiều nơi không bố trí các phòng, ban chuyên môn và nguồn nhân lực chuyên trách; đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa phải kiêm nhiệm hoặc thường xuyên luân chuyển nên không đủ thời gian và năng lực thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, cần có chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, nghiên cứu về DSVHPVT ở các cấp mới mong khắc phục được tình trạng này.

Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực DSVHPVT, Tiến sĩ Nguyễn Thu Trang (Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đưa ra quan điểm “bảo tàng hóa” DSVHPVT trong cộng đồng. Cụ thể, theo bà Trang: “Bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng không có nghĩa là làm “hóa thạch” DSVHPVT. Di sản văn hóa chỉ có thể được bảo vệ và phát huy một cách tốt nhất khi nó được sống trong cộng đồng, trong không gian văn hóa của di sản đó. Bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng phải được triển khai thông qua việc sáng tạo các hình thức hoạt động thích hợp nhằm giúp cộng đồng tự biết bảo vệ, giới thiệu và duy trì di sản. Hơn thế, phải tạo ra cơ hội để khai thác các giá trị của di sản để phục vụ phát triển du lịch cho cộng đồng nhưng không làm biến dạng di sản hay ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng”.

Lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) được bảo tồn và phát huy giá trị tốt sau khi được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực tế cho thấy, mỗi di sản đều được hình thành, tồn tại và phát triển dựa trên bối cảnh, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và đặc trưng văn hóa khác nhau. Do đó, tùy theo điều kiện thực tiễn, mỗi di sản cần có một cách ứng xử riêng. Hiện nay, các quy định về bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT được quy định trong Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật Di sản văn hóa sửa đổi (năm 2009) hầu hết mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính chung chung nên khi đưa vào vận dụng trong thực tiễn đã gây không ít khó khăn cho các địa phương và người làm công tác di sản. 

Bên cạnh đó, nhiều quy định trong Luật Di sản văn hóa đến nay không còn phù hợp với xu hướng phát triển và thực tiễn cuộc sống như: Chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, người thực hành DSVHPVT; sự chồng chéo về quy định xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực DSVHPVT; nhiều loại hình di sản có nguy cơ bị mai một, biến đổi khi chưa được bảo vệ hoặc kiểm kê, ghi danh; hiện tượng lợi dụng thực hành di sản để trục lợi, làm sai lệch, biến dạng giá trị của di sản... Những quy định này sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra thảo luận, lấy ý kiến trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7-2022. Đây là việc làm cần thiết bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chính là hành lang pháp lý để hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được mục tiêu.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu (Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia): 

“Đối với DSVHPVT, muốn duy trì được sức sống thì di sản đó phải có ý nghĩa với cộng đồng và được cộng đồng liên tục bảo tồn, tái tạo, lưu truyền. Phải có chính sách về vật chất và tinh thần nhằm tôn vinh những người nắm giữ di sản, qua đó khuyến khích họ truyền dạy tri thức, kỹ năng thực hành cho cộng đồng”.

Bài và ảnh: Linh Tâm