Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình: Không đi thì sẽ không tới
Giải trí - Ngày đăng : 19:20, 31/07/2022
- Thưa đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thứ. Với thị trường điện ảnh nói chung và với anh thì sao?
- Tôi thấy thị trường điện ảnh vừa có những tín hiệu vui, có một số dấu ấn nhất định, nhưng cũng có cả sự vội vã của người làm phim. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, dường như mọi người “ào” ra làm phim. Tuy vậy, sức ép về thời gian phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng trong khi khán giả đến rạp bây giờ có sự kén chọn hơn.
Với điện ảnh, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn phải tiếp tục đi, tiếp tục làm, bởi nếu không đi thì sẽ không tới. Chúng tôi cũng trải qua những vấp ngã, vội vã nhưng cũng có những thành quả nhất định. Chúng ta vẫn hy vọng vào những dự án điện ảnh chất lượng trong thời gian tới, những tên tuổi như Nguyễn Quang Dũng, Nam Cito - Bảo Nhân, Ngô Thanh Vân, Vũ Ngọc Đãng... sẽ đem lại một luồng gió mới trong năm nay.
- Theo anh, thế nào là bộ phim đáng để công chúng tới rạp?
- Chúng ta chưa thể có những bộ phim sử dụng kỹ xảo chất lượng cao và độ hoành tráng như “Doctor Strange”. Chúng ta cũng chưa thể dựa vào những ngôi sao để bán vé bởi số người có sức hút mạnh mẽ đối với khán giả chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo tôi, kịch bản phải có cái gì đặc biệt để mời gọi người ta ra rạp. Mỗi dự án phim phải tạo cho người ta sự tò mò nhất định. Ví dụ, với dự án phim của Vũ Ngọc Đãng, công chúng tò mò muốn biết Ngọc Trinh sẽ thể hiện như thế nào? Tôi chưa biết cô ấy diễn như thế nào nhưng đó là một nhân tố khiến cho công chúng đến rạp. Hay với phim “Người đẹp Tây Đô”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang xây dựng bối cảnh với 7 khu chợ rất lớn ở miền Tây. Điều đó cho thấy các đạo diễn, nhà sản xuất đã ý thức rõ hơn về việc đầu tư cho bộ phim, tạo những yếu tố mới để thu hút khán giả đến rạp.
- Anh nghĩ gì về việc đưa phim Việt ra thế giới?
- Tôi nghĩ tới hai cách đưa phim Việt Nam ra thế giới. Thứ nhất, những tác phẩm điện ảnh tham gia các liên hoan phim quốc tế cần có đề tài “gai góc” và phải thể hiện đậm đặc cái tôi của đạo diễn. Thứ hai là đưa phim đi trình chiếu ở những thị trường lớn hơn như Mỹ và các nước phát triển. Điều quan trọng là chúng ta tìm được ngôn ngữ riêng, cách thể hiện riêng. Ngôn ngữ riêng vừa là cái tôi cá nhân của đạo diễn đồng thời cũng thể hiện văn hóa, cách làm phim, cách thể hiện mới của điện ảnh Việt Nam. Thực sự thì chúng tôi cũng đang cố gắng tìm cách tạo ra sự khác biệt so với điện ảnh của các nước bạn như Thái Lan, Nhật Bản...
- Với điện ảnh, nói đi nói lại thì kịch bản vẫn là yếu tố then chốt?
- Kịch bản vẫn là khâu yếu nhất của điện ảnh nước nhà. Chúng ta chưa có những lớp học bài bản về viết kịch bản phim. Kịch bản là nền móng của một tác phẩm điện ảnh, còn đạo diễn giống như người tìm cách kể câu chuyện hay với những điểm nhấn, nút thắt phù hợp. Kịch bản luôn là khâu quan trọng nhất. Nếu không có kịch bản tốt thì không thể có phim được đông đảo công chúng đón nhận.
- Cái khó của chúng ta khi thể hiện những câu chuyện của chính mình là gì?
- Khi đem tác phẩm điện ảnh Việt ra nước ngoài, chúng ta cần có một ngôn ngữ mới lạ, khác biệt, thể hiện bản sắc của nền công nghiệp điện ảnh. Hiện đang có một lớp người trẻ được học hành bài bản và đang có những cách kể chuyện khá mới mẻ. Việc mang phim ra nước ngoài cũng không thể thực hiện với sự cố gắng nhỏ lẻ mà cần sự tham gia của cả một nền công nghiệp, có tiếng nói riêng qua những câu chuyện bình dị mà hấp dẫn. Hiện nay, không chỉ BHD mà còn có các nhà sản xuất như Ngô Thanh Vân, Trương Ngọc Ánh... cũng đang hướng về những đề tài thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Tôi nghĩ rằng, nếu mỗi người chung tay góp một viên gạch thì chúng ta mới có thể quảng bá phim Việt một cách rộng rãi hơn, tốt hơn.
- Trong hành trình ấy các nhà sản xuất đều có những kế hoạch của riêng mình. BHD thì sao?
- Sau bộ phim “Maika - cô bé đến từ hành tinh khác”, chúng tôi đang có những dự án điện ảnh khác. Chúng tôi chọn nội dung, đề tài một cách kỹ lưỡng để đưa vào sản xuất, trong đó vừa có phim thương mại vừa có phim về đề tài lịch sử. Chúng tôi đã hợp tác, mua bản quyền cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” và đang làm phim về nhân vật Phạm Xuân Ẩn.
Ngoài ra, chúng tôi còn có những dự án khác, với những thông điệp xã hội, văn hóa như “Tấm ván phóng dao” - vừa tham gia tranh giải Chợ dự án châu Á 2021 (Asian Project Market - APM) nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Busan tại Hàn Quốc. Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Can, “Tấm ván phóng dao” là câu chuyện về thân phận người dân Đồng bằng sông Cửu Long trước kháng chiến chống Pháp.
- Trân trọng cảm ơn đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình!