Thúc đẩy kết nối giao thông Tây Nguyên với Nam Trung Bộ
Giao thông - Ngày đăng : 07:58, 01/08/2022
Đường thiếu và yếu
Tây Nguyên được Chính phủ xác định là vùng có vị trí chiến lược quan trọng và là một trong những vùng kinh tế động lực của cả nước. Trong khi đó, duyên hải Nam Trung Bộ được Chính phủ định hướng phát triển thành vùng kinh tế tổng hợp và là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên. Thông qua Tây Nguyên, Nam Trung Bộ còn kết nối với Nam Lào và những vùng không gần biển của Campuchia và Thái Lan.
Tuy nhiên, hệ thống đường bộ kết nối 2 khu vực nhiều tiềm năng này đang rất thiếu và yếu. Cụ thể, quốc lộ 26 nối hai tỉnh Khánh Hòa với Đắk Lắk nhỏ hẹp, xuống cấp, phương tiện qua lại gặp nhiều khó khăn. Quốc lộ 19 nối Gia Lai với Bình Định nhiều đèo dốc, đường cũ, xuống cấp. Tương tự, quốc lộ 29 nối Phú Yên với Đắk Lắk là đường cấp IV miền núi, rất chật hẹp. Ngoài ra, Tây Nguyên còn là vùng duy nhất của cả nước chưa có đường cao tốc.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại một số tuyến đường ngang nối biển với Tây Nguyên cho thấy, quốc lộ 26 dài 151km, chủ yếu đạt quy mô đường cấp III, vận tốc thiết kế 60km/h, độ dốc dọc lớn nhất 8%. Riêng đoạn đèo Phượng Hoàng dài hơn 30km, bên phải là núi cao, bên trái là vực sâu, nhưng đường chỉ rộng 6m, đi quanh co, độ dốc lớn nhất 13%, gây nhiều khó khăn cho xe tải khi lưu thông. Toàn tuyến còn đến 90km cần cải tạo, nâng cấp.
Quốc lộ 19 nối cửa khẩu Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai và Campuchia xuống cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) dài hơn 250km xây dựng đã lâu. Đường chỉ rộng 7-9m, quy mô 2 làn xe chạy chậm. Anh Vũ Ngọc Khương, lái xe tải thường xuyên đi trên tuyến cho biết: “Chúng tôi phải mất khoảng 7 giờ để lái xe 150km từ Pleiku xuống Quy Nhơn. Nếu tuyến đường được cải tạo, mở rộng sẽ giảm thời gian di chuyển, người dân đi lại thuận lợi và an toàn hơn”.
Trong khi đó, quốc lộ 29 nối Phú Yên với Đắk Lắk dài hơn 182km, mặt đường rộng khoảng 6m, xuống cấp nghiêm trọng. Ông Trần Minh Sang, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) nói: “Đường hẹp, nhiều ổ "voi". Gần đây, xe tải cỡ lớn chạy nhiều, mặt đường càng nhanh hỏng gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân trong khu vực”.
Về thực trạng này, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung nhận định: “Hệ thống đường bộ thiếu và yếu khiến chi phí vận chuyển hàng hóa, kho bãi... tăng cao ảnh hưởng đến thu hút đầu tư; chưa kết nối được thế mạnh cảng biển duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam với vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và phía Bắc Campuchia thông qua Tây Nguyên…”.
Hứa hẹn nhiều thay đổi
Hiện, Trung ương đã và đang đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ hiện đại kết nối Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Cùng với triển khai nâng cấp các tuyến đường trong khu vực, như: Đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, các tuyến tránh đô thị..., hàng loạt dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường cũ; xây mới cao tốc nối Tây Nguyên với biển… đã, đang và sẽ được triển khai.
Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải sắp triển khai nâng cấp 90km còn lại của quốc lộ 26 theo hướng mở rộng mặt đường đến 14m. Trước mắt, từ quý III-2022, Bộ Giao thông - Vận tải và tỉnh sẽ phối hợp nâng cấp 17km đoạn cuối quốc lộ 26 qua tỉnh Khánh Hòa, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Trước đó, từ tháng 6-2020, Bộ Giao thông - Vận tải đã triển khai dự án nâng cấp quốc lộ 19 với tổng kinh phí hơn 3.600 tỷ đồng cho đoạn tuyến từ thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đến thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) dài hơn 143km, dự kiến hoàn thành năm 2023. Mặt đường sẽ được mở rộng đến 14m, các khúc cua nguy hiểm, dốc lớn được cải tạo tăng tính an toàn. Theo UBND tỉnh Bình Định, khi hoàn thành nâng cấp, quốc lộ 19 sẽ mở ra cơ hội thông thương hàng hóa từ cảng Quy Nhơn kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, các nước Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan theo trục hành lang Đông - Tây. Tỉnh đã đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng xây dựng mới hơn 17km đường 6 làn xe nối với quốc lộ 19.
Được biết, nhiều dự án cao tốc nối duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên sắp được triển khai, như: Cao tốc dài 220km kết nối Phú Yên đến cửa khẩu quốc tế Đăk Ruê, tỉnh Đắk Lắk (đã được đưa vào quy hoạch); cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài hơn 117km, dự kiến khởi công trước ngày 30-11-2023, hoàn thành năm 2027...
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị thông tin: “Tỉnh đang triển khai công tác đo đạc, cắm mốc phạm vi dự án. Chúng tôi quyết tâm phối hợp với các bên liên quan để tuyến cao tốc huyết mạch này sớm hoàn thành. Khi đó, hàng triệu tấn hàng hóa xuất khẩu mỗi năm của tỉnh sẽ không phải theo đường bộ xuống Cảng Cát Lái ở thành phố Hồ Chí Minh mà có thể được xuất cảng ngay ở Nha Trang”.