Hà Nội khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc

Nông nghiệp - Ngày đăng : 21:28, 31/08/2022

(HNMO) - Tối 31-8, tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc.

Các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện.

Đây là sự kiện quan trọng của Hà Nội nhằm giúp các tổ chức, cá nhân quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản của các vùng miền trong cả nước. 

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Chương trình OCOP được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thủ đô Hà Nội là đất trăm nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong đó, có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Hà Nội cũng có hơn 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR code. Đó chính là lợi thế lớn đối với Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.  

Đến nay, thành phố đã có 1.649 sản phẩm OCOP được công nhận, chiếm 19% số sản phẩm của cả nước (8.340 sản phẩm). Các sản phẩm OCOP của Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Khách tham quan, mua sắm sản phẩm tại sự kiện.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình OCOP vẫn còn những khó khăn, thách thức. Nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí metal gây ô nhiễm môi trường...

Trong 8 tháng năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 12,38 triệu lượt, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đây là điều kiện rất thuận lợi để giới thiệu các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trong cả nước đến với du khách trong nước và quốc tế, đồng thời là cơ hội hợp tác, kết nối giao thương giữa các vùng miền cũng như tìm kiếm thị trường quốc tế đối với sản phẩm của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Sự kiện sẽ diễn ra đến ngày 4-9 với trên 100 gian hàng, hơn 1.000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội và 9 tỉnh miền núi phía Bắc...

Nguyễn Mai