Giá thịt lợn giảm nhẹ, hầu hết hàng hóa vẫn ''đứng giá''
Kinh tế - Ngày đăng : 15:40, 02/08/2022
Nhiều mặt hàng giá vẫn cao
Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn thành phố trong ngày 2-8, giá thịt lợn đã bắt đầu giảm nhiệt. Chị Thêm, kinh doanh thịt lợn tại chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) cho biết, giá thịt lợn giảm từ 7.000-10.000 đồng/kg tùy loại.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Lan, kinh doanh thịt lợn tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, giá thịt lợn đã giảm như: Sườn non, ba chỉ, bắp giò, nạc vai còn 130.000 đồng/kg; mông sấn 110.000-120.000 đồng/kg.
Theo nhiều tiểu thương, những ngày qua, giá lợn hơi giảm nhẹ, ở mức 67.000 - 69.000 đồng/kg, do đó, giá thịt tới tay người tiêu dùng cũng giảm theo. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cho rằng, dù đã giảm đà tăng kể từ đầu tháng 7 đến nay, nhưng đây vẫn là mức giá cao so với trước kia.
Ghi nhận trên thị trường, cùng với giá xăng dầu giảm, từ 1-8, giá gas bán lẻ tại Hà Nội giảm tháng thứ tư liên tiếp. Cụ thể, giá bán lẻ gas bình Petrolimex loại 12kg là 430.400 đồng/bình; loại 48kg là 1.721.300 đồng/bình.
Trong khi giá gas, thịt lợn giảm nhẹ thì giá nhiều mặt hàng thiết yếu tại các chợ dân sinh vẫn “bất động” ở mức cao. Tại chợ Diêm Gỗ (quận Long Biên), giá trứng gà, trứng vịt từ 35.000-37.000 đồng/10 quả, trứng gà so 40.000 đồng/10 quả. Mức giá này tăng 2.000-3.000 đồng/10 quả so với tuần trước. Một người kinh doanh trứng tại chợ này lý giải, giá trứng cao một phần do giá thức ăn chăn nuôi tăng, mặt khác, hiện đang vào mùa cao điểm sản xuất bánh trung thu nên sức cầu trứng tăng đáng kể, làm giá tăng.
Bên cạnh đó, giá rau xanh vẫn chưa giảm. Cụ thể như rau muống, mùng tơi 8.000-10.000 đồng/mớ, cải xanh 12.000 đồng/mớ, bí xanh và mướp 15.000 đồng/kg… Đáng chú ý, giá rau gia vị vẫn khá đắt, như hành lá 60.000 đồng/kg; rau mùi 70.000 đồng/kg…
Ngoài ra, giá các loại thực phẩm tươi sống khác vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể, gà ta nguyên con 130.000 đồng/kg; gà công nghiệp nguyên con 75.000 đồng/kg, thịt bò các loại dao động từ 240.000-280.000 đồng/kg; cá trắm nguyên con 65.000 đồng/kg, cắt khúc 90.000 đồng/kg…
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.Opmart Hà Đông cho biết, từ 29-7 đến ngày 1-8, một số nhà cung cấp đã thông báo mức giá thay đổi giảm một số mặt hàng thiết yếu. Theo đó, mặt hàng sữa tươi giảm 200 đồng/túi; cà phê Trung Nguyên xay 500g từ 57.900 đồng/hộp xuống còn 50.000 đồng; dầu đậu nành Simply 1 lít 64.900 đồng giảm còn 62.500 đồng; nước tương Nam Dương từ 17.600 đồng giảm còn 13.900 đồng; bột ngọt Vedan 454g từ 33.000 đồng giảm còn 28.500 đồng. Để hỗ trợ người tiêu dùng, siêu thị còn chạy các chương trình khuyến mại, giảm giá nhiều mặt hàng, kích cầu mua sắm tiêu dùng của người dân.
Ngăn chặn đầu cơ, thao túng giá
Sau 4 kỳ điều chỉnh, giá xăng tại thị trường trong nước đã giảm sâu khiến nhiều người tiêu dùng mong ngóng hàng hóa giảm giá theo. Thực tế, hầu hết hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vẫn neo cao, nhiều người tiêu dùng vì thế phải thắt chặt chi tiêu.
Chị Nguyễn Thị Quyên, ở quận Long Biên, cho biết, thật khó chấp nhận giá hàng hóa tăng thì nhanh, xuống thì chậm. Thực trạng này khiến nhiều người tiêu dùng cho rằng có biểu hiện lạm dụng tình hình thị trường để tăng giá bất hợp lý, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Trước những diễn biến của thị trường, ngày 31-7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá với từng nhóm hàng cụ thể. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng ban hành công điện yêu cầu lực lượng quản lý thị trường thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Bộ Công Thương hiện đang theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ngành hàng cần nghiêm túc đánh giá lại chi phí sản xuất, yếu tố đầu vào và sớm xem xét giảm giá hàng hóa. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp, hộ sản xuất xem xét, tính toán lại chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.