Bài cuối: Xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh
Đời sống - Ngày đăng : 06:54, 04/08/2022
Thông tin nhanh, nhưng hãy đọc chậm
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Quý Vũ cho biết, người Việt ở độ tuổi 16-64 dành trung bình 6 giờ 47 phút mỗi ngày để sử dụng internet; trong đó dành 2 giờ 21 phút dùng mạng xã hội, 1 giờ 57 phút để đọc báo và truy cập tin tức...
Còn theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) năm 2020 do Microsoft công bố, Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia có mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng. Tốp 5 chủ đề người Việt Nam thường có những hành vi ứng xử không đúng mực, gồm: Các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và chính trị (23%).
Thực tế, bên cạnh nội dung bổ ích, các thông tin vi phạm pháp luật, tin giả, xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân, thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, kích động bạo loạn, chống phá nhà nước... vẫn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, nhất là các nền tảng hoạt động theo hình thức xuyên biên giới. Như vậy, vấn đề đặt ra trước hết là người dùng mạng xã hội cần nâng cao nhận thức, sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, bổ ích.
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, thông tin trên mạng xã hội càng nhanh, thì người đọc lại phải đọc chậm lại. Đọc chậm ở đây có nghĩa là khi thấy có thông tin mới, thông tin “hot” mình phải tự kiểm chứng bằng cách xem nguồn phát có đáng tin cậy không, người đưa tin có uy tín không, mức độ tương tác thông tin như thế nào, có các thông tin phản hồi trái chiều hay không…, thay vì ngay lập tức chia sẻ, phát tán hoặc bình luận. Nếu không, chính người đọc trở thành công cụ truyền tin giả, phát tán thông tin vi phạm pháp luật, gây hại cho cộng đồng.
Cần đồng bộ giải pháp
Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp đánh giá thực trạng đo lường hành vi ứng xử trên mạng xã hội. Trong đó, Cục An toàn thông tin đang dùng công cụ Social listening để thu thập thông tin, phân tích, đánh giá các sự kiện nổi bật, chủ đề thông tin xấu, độc. Cục Phát thành, Truyền hình và Thông tin điện tử đã xây dựng Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, sử dụng công cụ kỹ thuật để đo tổng số phản ánh về tin giả và xác thực, công bố thông tin chính xác sau khi nhận được phản ánh. Đến đầu tháng 6-2022, trung tâm đã tiếp nhận và xử lý 4.363 phản ánh; thẩm định, gắn nhãn và công bố 50 tin giả; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ trên 3.120 tin, bài có nội dung xấu, độc, đường dẫn giả mạo.
Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (dành cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội) nhằm hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
Để tăng cường hơn nữa việc xử lý tin giả trên không gian mạng, cuối tháng 6-2022, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác xử lý và công bố tin giả trên không gian mạng với 6 sở thông tin và truyền thông là: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2022, nhiều quy định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới (như mạng xã hội, phát thanh, truyền hình OTT, quảng cáo) cũng sẽ được ban hành. Quản lý các nền tảng xuyên biên giới là một thách thức toàn cầu. Việc thiếu thể chế quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa các nền tảng số trong nước và nước ngoài. Các quy định mới này sẽ thực hiện nguyên lý căn bản là doanh nghiệp kinh doanh ở đâu phải tuân thủ pháp luật ở đó. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục kiểm tra, xử lý mạnh tay các vi phạm để làm lành mạnh môi trường thông tin và truyền thông.
Chia sẻ thêm, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông Đỗ Quý Vũ cho rằng, việc xây dựng một bộ Tiêu chí đánh giá các hành vi ứng xử trên mạng sẽ giúp các nhà quản lý có căn cứ để xác định mức độ nghiêm trọng và xu hướng hành vi của người dùng. Từ đó, cơ quan quản lý có những định hướng về chính sách tốt hơn và xử lý kịp thời mọi rủi ro từ các trang mạng xã hội ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, đồng thời mỗi người dân cùng chung tay xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.