Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường phòng cháy, chữa cháy ngay từ cơ sở

Đời sống - Ngày đăng : 15:49, 04/08/2022

(HNMO) - Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xảy ra một số vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại cả về người và tài sản. Để hạn chế việc này, thành phố đang triển khai mô hình tăng cường phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại từng điểm dân cư.

Hiện trường vụ cháy nhà dân tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh hôm 23-7 làm 2 trẻ em thiệt mạng.

Theo thống kê của Công an thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 16-6 đến ngày 15-7-2022, toàn thành phố xảy ra 10 vụ cháy (trong đó có 5 vụ cháy trung bình, 5 vụ cháy nhỏ). Nguyên nhân gây cháy vẫn chủ yếu do sự cố hệ thống thiết bị điện.

Vụ việc đau lòng là vào khoảng 16h00, ngày 23-7-2022, một người dân thấy khói, lửa cháy và kèm với tiếng khóc của trẻ nhỏ từ căn nhà khóa trái cửa tại số F4/25Z, tổ 14, ấp 6C, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, liền hô hoán người dân đến hỗ trợ để chữa cháy và cứu người; đồng thời gọi báo Công an xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.

Nhận được tin báo, lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ (nòng cốt là Công an xã) đã sử dụng các bình chữa cháy của các hộ dân lân cận và thiết bị cứu hộ tại “Hộp trang thiết bị chữa cháy cộng đồng” để tiếp cận ban công tầng 2, cứu được 4 trẻ em đang mắc kẹt tại đó thoát khỏi đám cháy.

Tuy nhiên, khi khai thác thông tin từ chủ nhà, lực lượng cứu hộ được biết còn 2 cháu bé nữa mắc kẹt trong đám cháy. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp với thiết bị chuyên dụng xông qua lửa vào bên trong, phát hiện 2 cháu nhỏ kẹt bên trong nhà vệ sinh, trong tình trạng bị ngạt khói. Dù được sơ cứu ngay sau đó và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, nhưng 2 bé đã tử vong do suy hô hấp (bé 10 tuổi và bé 1 tuổi).

Nhận định, rút kinh nghiệm về vụ cháy này, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sự nhanh chóng vào cuộc của lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, với việc điểm phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn được trang bị đủ thiết bị cứu nạn, cứu hộ, đã giúp cho lực lượng chức năng cứu được 4 bé khỏi đám cháy.

“Tuy nhiên, việc có 2 trẻ em thiệt mạng là điều rất đau xót. Chúng tôi khuyến cáo các gia đình khi người lớn đi vắng, không nên khóa trái cửa khi để người già, người tàn tật, trẻ nhỏ ở nhà một mình. Cùng với đó, phải rèn luyện tâm lý cho trẻ cần làm gì khi cần giúp đỡ, thực hành giả định các trường hợp khẩn cấp…”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm khuyến cáo.

Hiện trường vụ cháy xưởng vải trên đường Thiên Quang, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn ngày 28-7.

Để tiếp tục phòng, chống cháy nổ tại cơ sở, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai rộng khắp mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng”.

Ngày 4-8, UBND quận 1 triển khai mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”. Phó Chủ tịch quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh cho biết, mỗi tổ liên gia có từ 5 đến 10 hộ gia đình liền kề nhau; mỗi hộ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay, lắp đặt 1 chuông báo cháy tại tầng 1. Các thành viên trong hộ gia đình cài đặt, sử dụng thành thạo app "Báo cháy 114" và "Help 114", sẵn sàng hỗ trợ nhau khi có cháy nổ.

Về mô hình “các điểm chữa cháy công cộng”, Thượng tá Nguyễn Văn Nhứt, Phó Trưởng Công an quận 1, cho biết: “Các điểm này được triển khai tại khu dân cư có hẻm tập trung nhiều nhà, chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được và khoảng cách giữa 2 điểm đặt phương tiện là 50m... Khi xảy ra cháy, lực lượng tại chỗ (là thành viên các gia đình trong cụm dân cư) có thể triển khai ngay công tác chữa cháy ban đầu, trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến hiện trường”.

Trước mắt, quận 1 sẽ thí điểm triển khai mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy" tại hẻm số 26, khu phố 5, đường Trương Định, phường Bến Thành và mô hình "Điểm chữa cháy công cộng" tại hẻm 115 đường Trương Định, phường Bến Thành trước khi nhân rộng ra cả 10 phường trong quận.

Tài liệu tuyên truyền về mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, mô hình thí điểm "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng" đã được triển khai tại khu dân cư tổ 6, ấp 6A, xã Bình Mỹ; điểm chữa cháy công cộng được tổ chức thí điểm tại hẻm 46, tổ 6, ấp 6A, xã Bình Mỹ của huyện Củ Chi. Sau thời gian thí điểm 6 tháng, huyện sẽ tiến hành rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện xảy ra 19 sự cố cháy, gây thiệt hại tài sản khoảng 57 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Tuy số vụ cháy có tăng so với cùng kỳ năm 2021 nhưng chỉ xảy ra 1 vụ cháy lớn, còn lại hơn 60% số vụ là cháy nhỏ, được lực lượng tại chỗ phối hợp với người dân khống chế ngay khi vừa phát hiện. “Đây là minh chứng cho hiệu quả của việc triển khai tốt phòng cháy, chữa cháy ngay tại cơ sở”, ông Lê Đình Đức nhận định.

Đánh giá các mô hình thí điểm "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng" tại các địa phương, Đại tá Huỳnh Quang Tâm nhấn mạnh: “Mô hình này nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ và nâng cao vai trò của địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy”.

Thanh Trúc