Cần quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Kinh tế - Ngày đăng : 15:04, 04/08/2022

(HNMO) - Giải ngân vốn đầu tư công được coi là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong 7 tháng của năm 2022, tỷ lệ giải ngân mới đạt 34,47%.

Theo chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2022. Đây cũng là vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính đôn đốc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3-8.

Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được gấp rút thi công.

Tỷ lệ giải ngân mới đạt 34,47%

Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết định tại các nghị quyết của Quốc hội là 542.105,895 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 304.105,895 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022 là 16.000 tỷ đồng.

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 31-7-2022 là 186.848,16 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 542.105 tỷ đồng), giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Một cơ quan trung ương và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%; 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (34,47%); trong đó, có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp được Bộ Tài chính chỉ ra là vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, lớn nhất là xác định nguồn gốc đất; giá cả nguyên vật liệu tăng cao, do năm 2022 là năm thứ 2 triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án...

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, lượng vốn đầu tư công năm nay vượt hơn năm 2021 khá nhiều bởi ngoài vốn đầu tư trung hạn, còn có nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển. Vài năm trở lại đây, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn đáng kể so với những năm trước đó.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, tỷ lệ giải ngân 7 tháng qua chưa cao bởi vẫn còn tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” trong triển khai. Ngoài ra, có một nghịch lý là cùng một cơ chế, chính sách nhưng tại các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ giải ngân lại không đồng đều, có nơi cao, nơi thấp.

“Theo tôi, nguyên nhân chủ quan, sâu xa là ở một số nơi chưa có sự quyết liệt vào cuộc của người đứng đầu”, vị chuyên gia này nói.

Thực tế cho thấy, tại tỉnh Thái Nguyên, tỷ lệ giải ngân trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 59% trong tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng của năm 2022. Còn tại tỉnh Thái Bình, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư toàn tỉnh đã đạt gần 60% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (3.680 tỷ đồng)....

Kinh nghiệm chung rút ra từ các tỉnh, thành phố, bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao là xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể; đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức công việc, giám sát, kiểm tra, đôn đốc hiệu quả.

Đồng bộ các giải pháp

Chậm giải ngân vốn đầu tư công không chỉ gây lãng phí nguồn lực, mà còn cản trở tiến trình phục hồi của nền kinh tế. Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý ngay những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền.

Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, điều chuyển vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.

Về phía địa phương, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022. UBND thành phố yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thành phố, các chủ đầu tư dự án tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong thực hiện kế hoạch đầu tư công; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch đầu tư công...

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra hôm qua (3-8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề cao vai trò, trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh danh mục, công tác chuẩn bị đầu tư, kịp thời phát hiện những vấn đề chưa hợp lý, vướng mắc để chỉnh sửa, đồng thời, chỉ đạo, phân công để bảo đảm tuân thủ luật pháp, tránh tham nhũng, tiêu cực.

Các bộ, ngành ở Trung ương rà soát lại các quy định thuộc phạm vi quản lý của ngành mình, xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc, phát sinh thuộc thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thành lập các tổ công tác để chỉ đạo, rà soát, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất điều chỉnh vốn từ địa phương giải ngân kém sang địa phương giải ngân tốt và cần thiết. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, điều chỉnh vốn đầu tư công trong nội bộ bộ, ngành, địa phương, bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về thúc đẩy vốn đầu tư công.

Hương Thủy