Trụ cột của ngành khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Xe++ - Ngày đăng : 07:04, 05/08/2022

(HNM) - Trong chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có những bước tiến vượt bậc, xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia ngày càng vững mạnh. Từ đó, khẳng định được vai trò, vị thế là trụ cột quan trọng của ngành khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quang cảnh buổi tập huấn về sở hữu trí tuệ dành cho các cơ quan quản lý, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức, tháng 4-2022.

Đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận

Cục Sở hữu trí tuệ có tiền thân là Cục Sáng chế, ra đời năm 1982, với nhiệm vụ là cơ quan chuyên trách về sở hữu công nghiệp ở Việt Nam. Từ một đơn vị chỉ có 27 cán bộ, thuộc 2 tổ chuyên môn, đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã trở thành một đơn vị lớn mạnh với 17 đơn vị trực thuộc, gần 400 công chức, viên chức và người lao động.

Trong những năm qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã thể hiện rõ vai trò đầu mối giúp Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và trực tiếp quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, lực lượng chủ trì trong xây dựng chính sách pháp luật sở hữu trí tuệ đến tổ chức hoạt động trong hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam, thực hiện hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp triển khai những hoạt động của sở hữu trí tuệ.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, nền tảng pháp lý cho hoạt động sở hữu trí tuệ luôn được tập trung xây dựng và không ngừng được hoàn thiện. Trên cơ sở hệ thống pháp luật vững chắc, công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong những năm vừa qua đã có nhiều thành tựu đáng kể. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm cân bằng giữa yêu cầu quốc tế và lợi ích quốc gia, tạo động lực mới cho hệ thống sở hữu trí tuệ trong nước ngày càng phát triển.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, đến nay, Cục đã đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với 4 luật, hơn 20 nghị định, 23 thông tư và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 (được Chính phủ ban hành vào năm 2019) đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực này. Chiến lược đã xác định nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ. Đến nay, có 26 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược.

Hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 6-2022, Cục đã nhận được gần 1 triệu đơn đăng ký và đã cấp gần 600.000 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp. Để đẩy nhanh công tác xử lý, Cục đã áp dụng nhiều giải pháp quản lý, tổ chức công việc, cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ đó, kết quả xử lý đơn trong thời gian vừa qua đã tăng lên đáng kể.

Trong hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế, bên cạnh việc tích cực tham gia và khẳng định được vai trò, vị trí trong các tổ chức quốc tế đa phương như: WTO, APEC, ASEAN, Cục Sở hữu trí tuệ đã thiết lập và duy trì được quan hệ hợp tác tốt đẹp, hiệu quả với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), cơ quan sở hữu trí tuệ của các nước ASEAN. Cục có các Thỏa thuận hợp tác với các cơ quan sở hữu trí tuệ của cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nhóm 5 cơ quan sở hữu trí tuệ lớn nhất thế giới (IP5), cũng như các nước đối tác truyền thống và các nước trong khu vực như: Lào, Singapore, Thái Lan...

Bên cạnh đó, Cục cũng tích cực, chủ động triển khai công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ; xây dựng, phổ biến và đào tạo sử dụng, khai thác các nguồn thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; triển khai công tác phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Những nỗ lực của Cục Sở hữu trí tuệ không chỉ tạo ra những bước tiến lớn cho hệ thống sở hữu trí tuệ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

“Dù đạt được những thành tựu đáng ghi nhận nhưng chúng tôi đang đứng trước nhiều thách thức và bộc lộ những hạn chế trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Khối lượng công việc lớn, trong khi hầu hết các đơn vị thuộc Cục thiếu nhân lực và nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao, đơn đăng ký xác lập quyền tồn đọng còn nhiều và có xu hướng ngày càng tăng, trong khi năng lực xử lý đơn còn nhiều hạn chế, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu”, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết.

Để sở hữu trí tuệ trở thành một công cụ hữu hiệu góp phần phát triển kinh tế - xã hội, theo ông Đinh Hữu Phí, trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm: Kiện toàn cơ cấu tổ chức, xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị và xử lý đơn, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ cho Cục, doanh nghiệp và xã hội; xây dựng mạng lưới các tổ chức hỗ trợ, bổ trợ về sở hữu trí tuệ, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ...

“Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ quản lý hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp và xã hội, góp phần hoàn thành sứ mệnh “Xây dựng và vận hành hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia thân thiện và hiệu quả” với tầm nhìn “Dẫn dắt hệ sinh thái sở hữu trí tuệ vì sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững””, ông Đinh Hữu Phí thông tin thêm.

Thu Hằng