''Chạy đua'' hoàn thành cấp căn cước công dân
Đời sống - Ngày đăng : 06:09, 06/08/2022
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ngày 31-12-2022, sổ hộ khẩu giấy sẽ hết hiệu lực sử dụng, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử sẽ thay thế để công dân thực hiện các thủ tục giao dịch hành chính. Hiện tại, Hà Nội là 1 trong 5 địa phương của cả nước được Bộ Công an giao phải hoàn thành công tác cấp căn cước công dân gắn chíp cho tất cả công dân đủ điều kiện trên địa bàn xong trước ngày 31-8-2022.
Trước nhiệm vụ ấy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Mệnh lệnh 01 mở cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp. Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định, đợt cao điểm này xác định còn khó khăn vì những công dân đủ điều kiện nhưng chưa đi làm hồ sơ cấp căn cước đều là những trường hợp đặc biệt. Song, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội vẫn quyết tâm hoàn thành.
Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh, để nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất, cơ quan Công an đã có văn bản tham mưu cho Quận ủy, UBND quận huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, cảnh sát khu vực và cán bộ tổ dân phố xuống từng địa bàn dân cư để vận động bà con thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân.
Còn Thiếu tá Đinh Việt Hùng, Trưởng Công an phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) nêu rõ, theo đúng tinh thần của Mệnh lệnh 01, đơn vị chia làm 3 ca/ngày, mỗi ca có 5 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm thủ tục tại phường. Việc trao đổi nghiệp vụ sử dụng thiết bị, công nghệ thông tin được tiến hành thường xuyên để bảo đảm cấp căn cước công dân cho người dân một cách nhanh chóng, chính xác.
Ông Đinh Trọng Lực (trú tại phòng 114, khu tập thể B1, phường Thành Công, quận Ba Đình) chia sẻ, do bận đi công tác nước ngoài và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ông chưa thể làm căn cước công dân gắn chíp. Vì thế, trong đợt cao điểm lần này, ông đã được cán bộ cảnh sát khu vực gọi điện thoại hướng dẫn chuẩn bị các giấy tờ, thông tin để làm căn cước công dân. Khi đến làm việc, cán bộ, chiến sĩ tận tâm hỗ trợ nên chỉ sau khoảng 15 phút đã hoàn thành các thủ tục liên quan.
Quan tâm những trường hợp đặc biệt
Trung tá Bùi Đức Mậu, Trưởng Công an thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cho biết, do địa bàn rộng, thành phần dân cư chủ yếu là bà con sản xuất nông nghiệp nên nhiều người chưa có ý thức đi làm căn cước công dân gắn chíp. Nhiều trường hợp đưa ra lý do tuổi cao không cần làm căn cước công dân gắn chíp nên đã gây nhiều khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. “Trước tình hình trên, cán bộ, chiến sĩ công an đã sử dụng xe cá nhân đến tận nhà đón đưa bà con đi làm thẻ căn cước”, Trung tá Bùi Đức Mậu thông tin.
Tại địa bàn phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), nơi có nhiều trường đại học, cao đẳng với số lượng người tạm trú đông, Công an phường đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực thu thập thông tin dân cư cư trú thực tế (KT1), những trường hợp có hộ khẩu nhưng sinh sống nơi khác (KT2) và những công dân đang tạm trú trên địa bàn (KT3) để hoàn tất công tác cấp căn cước công dân gắn chíp. Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Tống Xuân Duy cho biết, cả hệ thống chính trị luôn sát cánh cùng lực lượng công an trong chiến dịch 30 ngày cao điểm.
Đáng lưu ý, trong cao điểm này, có những trường hợp đặc biệt là các đối tượng nghiện ma túy với tâm lý e ngại lực lượng công an nên dù được tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng họ vẫn lảng tránh và lấy lý do giấy tờ còn hiệu lực. Trung tá Nguyễn Thị Kim Thúy, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, với những trường hợp này, cảnh sát khu vực và tổ trưởng dân phố đã gặp gỡ trực tiếp giải thích, để họ tự giác đi làm nghĩa vụ công dân.
Cao điểm 30 ngày đêm được xem là đợt cuối hoàn thành thủ tục thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp cho công dân trên địa bàn Thủ đô từ đủ 14 tuổi trở lên. Theo Mệnh lệnh 01, nhiệm vụ cho trưởng công an các quận, huyện, thị xã là rà soát lại toàn bộ số nhân khẩu trong diện cấp nhưng chưa được cấp căn cước công dân gắn chíp trên địa bàn. Với mục tiêu gần dân hơn để phục vụ dân, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, ngoài lập danh sách đối với các trường hợp không thể thu nhận thông tin do các yếu tố khách quan, đang chấp hành án phạt tù, chết, thôi quốc tịch, điều trị bệnh tâm thần, thì những người già, người tàn tật, neo đơn đã nhận được sự tận tâm phục vụ của cán bộ, chiến sĩ khi đến tận nhà đưa đón và giúp đỡ làm căn cước công dân.