Bài cuối: Sớm khắc phục các ''lỗ hổng''
Đời sống - Ngày đăng : 06:45, 06/08/2022
Trang bị kiến thức cơ bản về phòng cháy
Trước thời điểm dịch Covid-19, Hà Nội có hơn 1.600 quán karaoke trong diện quản lý. Hiện tại, dù chưa có thống kê mới, nhưng con số này đã giảm do nhiều cơ sở kinh doanh không cầm cự được trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi các cơ sở kinh doanh có điều kiện trở lại hoạt động cũng là thời điểm phải cảnh giác với “bà hỏa” hơn bao giờ hết.
Vào những ngày cuối tuần, tổ công tác liên ngành Công an quận Hoàn Kiếm vẫn đi kiểm tra hoạt động của quán bar, karaoke, vũ trường… ở khu vực phố cổ, trong đó có mục đích phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, đơn vị xác định “chống giặc lửa” là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên thông qua hoạt động quản lý hành chính về xã hội luôn lồng ghép trọng tâm kiểm tra phòng cháy, chữa cháy.
Còn theo Thượng tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ, đơn vị vừa tổ chức tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy cho đại diện hơn 200 cơ sở kinh doanh có điều kiện bao gồm karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, xăng dầu, in ấn… trên địa bàn. Qua đó, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân đối với việc chấp hành quy định nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, để phòng, chống “giặc lửa” đồng thời phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), Công an thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh… để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Là địa phương đi đầu trong việc “dỡ bỏ chuồng cọp tạo lối thoát hiểm phòng cháy, chữa cháy”, theo Chánh Văn phòng Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Kim Sơn, để bảo đảm hiệu quả phòng, chống cháy nổ, người dân không nên lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng, trường hợp đã lắp thì phải có chốt trong, không được khóa và chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi có cháy xảy ra; nên dự kiến các tình huống thoát nạn, trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng... để vừa dùng sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy; hướng dẫn mọi người trong gia đình cách sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy như bình cứu hỏa, mặt nạ phòng độc... Người dân cũng cần tự trang bị kỹ năng sử dụng điện an toàn.
Đồng bộ các giải pháp
Không chỉ là các giải pháp mang tính kỹ thuật liên quan đến lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và bản thân mỗi người dân, một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong vấn đề nêu trên.
Từ vụ cháy quán karaoke ISIS ở 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy), Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 47-CT/TƯ ngày 25-6-2015 và Kết luận số 02-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”; Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 19-11-2014, Kế hoạch số 41-KH/TU ngày 28-9-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và các văn bản chỉ đạo thực hiện của HĐND, UBND thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước Thành ủy nếu để xảy ra cháy nổ phức tạp, hậu quả nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan trên địa bàn, phạm vi quản lý.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, cần rà soát, đánh giá các mô hình phát huy hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa phương, tập trung nhân rộng với công thức kết hợp: Lối thoát hiểm thứ 2; bình chữa cháy, phương tiện chữa cháy; chuông báo cháy và kỹ năng chữa cháy, thoát hiểm…
Trong khi đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay về điển hình tiên tiến trong công tác phòng cháy, chữa cháy, như: Triển khai lắp đặt phương tiện chữa cháy công cộng tại ngõ sâu; trao tặng bình cứu hỏa, mặt nạ phòng độc đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng video clip hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn và chữa cháy đối với loại hình nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất.
Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, hộ gia đình.
Nếu không vào cuộc quyết liệt, đồng bộ thì sau mỗi vụ cháy xảy ra, “đáp án chung” vẫn sẽ là kiểm tra và rút kinh nghiệm, trong khi những nguyên nhân căn cốt chưa được giải quyết triệt để thì nguy cơ cháy, nổ vẫn sẽ luôn thường trực trong cộng đồng. Vì thế, việc sớm khắc phục các “lỗ hổng” trong phòng cháy, chữa cháy là yêu cầu cấp thiết hiện nay.