''Hạt gạo làng ta'' của Liên Hà
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:31, 06/08/2022
Đất không phụ công người
Không còn nhọc nhằn như xưa khi làm ra hạt gạo thơm nức tiếng, giờ đây, người dân Liên Hà vẫn “hai sương - một nắng” với cây lúa nhưng thuận lợi hơn nhiều. Con đường dẫn chúng tôi đến Liên Hà hôm nay đã được bê tông hóa; đường liên thôn, liên xóm cũng được mở rộng khang trang, cây xanh tỏa bóng. Người dân nơi đây đang phấn khởi xây dựng quê hương để xã thành phường, làng thành phố. Dù có nhiều nghề cho người dân lựa chọn để làm giàu nhưng cây lúa, đặc biệt là nếp cái hoa vàng vẫn có vị trí quan trọng với người nông dân Liên Hà.
Bà Nguyễn Thị Hợp ở thôn Lỗ Khê chia sẻ: "Lỗ Khê có nghề truyền thống làm bánh chưng. Bánh chưng Lỗ Khê nổi tiếng cả nước về vị truyền thống cũng bắt nguồn từ hạt gạo nếp cái hoa vàng của vùng đất này. Từ khi biết làm ruộng, tôi đã được học cấy lúa và hiểu nếp cái hoa vàng là giống lúa truyền thống của quê mình. Vì thế, từ xa xưa, cây lúa không chỉ tạo ra hạt gạo nuôi sống con người mà còn gắn bó mật thiết trong đời sống văn hóa, tinh thần, tập quán, phong tục của người dân nơi đây. Tuy nhiên, khi "cơn lốc" đô thị hóa ập đến, vào khoảng những năm 2008-2010, nhiều gia đình ở quê tôi không còn mặn mà với cây lúa...".
Tiếp lời bà Hợp, bà Hoàng Thị Lan cùng thôn Lỗ Khê cho biết thêm, có thời điểm làng nghề phát triển, nhiều nghề dịch vụ, phụ trợ thu hút đông đảo người dân bởi thu nhập cao. “Thời điểm đó, năm 2 vụ lúa, trồng lúa lại vất vả, cần nhiều công sức mà thu nhập thấp nên nhiều hộ gia đình không thiết tha gieo cấy. Tuy nhiên, mảnh ruộng, cây lúa đã như máu thịt nên tôi chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ ruộng. Nông dân phải biết giữ đồng ruộng, giữ cây lúa quê nhà...”, bà Lan chia sẻ.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp Liên Hà (xã Liên Hà) Lê Văn Tỵ, năm 2015, toàn xã Liên Hà chỉ có 5ha gieo trồng giống lúa nếp cái hoa vàng. Thời điểm đó, nông dân không mặn mà với cây lúa, giống nếp cái hoa vàng cũng chưa được thị trường ưa chuộng, sản xuất lúa hầu hết chỉ phục vụ nhu cầu gia đình.
Và cũng đến lúc đất không phụ công người. Năm 2015, xã Liên Hà được ngành Nông nghiệp Thủ đô hỗ trợ triển khai, khôi phục và xây dựng mô hình trồng lúa nếp cái hoa vàng chất lượng cao. Bà Nguyễn Thị Hà ở thôn Lỗ Khê phấn khởi nói: “Nhờ triển khai mô hình, nông dân trồng lúa luôn biết cầu tiến, đặc biệt là việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng được đầu tư, nghề trồng lúa đỡ vất vả hơn xưa rất nhiều mà năng suất đạt cao. Bây giờ trồng lúa theo phương thức VietGAP, nông dân có lợi đôi đường, vừa giảm lượng phân bón, cây lúa ít bị sâu bệnh, vừa tạo ra hạt gạo an toàn cho người tiêu dùng. Đúng là không thể bỏ được ruộng, càng không thể bỏ được cây lúa đã gắn bó bao đời”.
Nói về sự "thăng trầm" của vùng lúa đặc sản quê mình, Chủ tịch UBND xã Liên Hà Phạm Văn Nam cho biết, toàn xã hiện còn 493ha đất nông nghiệp, trong đó, diện tích trồng lúa là 491ha, hầu hết gieo trồng giống nếp cái hoa vàng. Cho đến nay, Liên Hà đang được coi là vùng trồng lúa đặc sản quy mô lớn của huyện Đông Anh nói riêng và Hà Nội nói chung.
Bảo tồn vùng lúa đặc sản
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, vùng lúa nếp cái hoa vàng tại xã Liên Hà nằm trong quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao của UBND thành phố Hà Nội. Cũng theo quy hoạch sử dụng đất của huyện Đông Anh, đến năm 2030, diện tích trồng lúa vẫn duy trì ổn định khoảng 1.161ha, trong đó, Liên Hà là một trong những vùng lúa trọng điểm.
Mặc dù nằm trong quy hoạch song nhiều người dân nơi đây vẫn còn một số băn khoăn. Bởi với lộ trình xã thành phường, huyện thành quận, câu chuyện về cây lúa và cánh đồng lúa vàng óng, ngát hương có được duy trì và phát triển phù hợp nữa hay không? Trăn trở về cây lúa của quê hương, bà Hoàng Thị Lan ở thôn Lỗ Khê chia sẻ, phát triển và hội nhập là yếu tố tất yếu hiện nay, tuy nhiên, từ làng quê thành phố thị thì những nét văn hóa truyền thống vẫn rất cần được bảo tồn.
"Cây lúa, hạt gạo cũng là hơi thở cuộc sống, là những tầng ký ức khó quên đối với biết bao thế hệ nông dân. Đó là chưa kể đến "hạt gạo làng ta" nơi đây còn gắn liền với nghề truyền thống làm bánh chưng. Do đó, nông dân quê tôi mong mỏi được giữ nghề và bảo tồn vùng trồng lúa đặc sản như nét văn hóa của Liên Hà", bà Lan nói.
Nói về trồng lúa, phát triển cây lúa trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, ở những đô thị phát triển, việc phát triển nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái làng nghề là rất hiệu quả. Liên Hà có địa chất đồng đất rất phù hợp với giống lúa nếp cái hoa vàng, chất lượng gạo được gieo trồng tại đây có vị đặc sắc riêng. Ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng xác định đây là một trong những vùng trồng lúa đặc sản chất lượng cao của Thủ đô nên việc duy trì vùng trồng lúa này có ý nghĩa rất quan trọng.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp Liên Hà Lê Văn Tỵ cho biết, hợp tác xã đang duy trì hiệu quả vùng lúa đặc sản nếp cái hoa vàng và mở rộng một số mô hình trồng cây gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm. Từ hướng đó, hợp tác xã mong muốn đưa vùng lúa đặc sản của Liên Hà vào hành trình trải nghiệm của du khách gắn với nghề làm bánh chưng. Tham gia hành trình này, du khách không chỉ được hòa mình vào những vùng lúa xanh ngát hay chín vàng mà còn được trải nghiệm quy trình làm bánh chưng, thưởng thức những đặc sản, sản phẩm từ lúa gạo ngay tại làng nghề Liên Hà...
Rời Liên Hà trên những con đường thênh thang, hai bên là cánh đồng lúa bạt ngàn xanh mướt “thì con gái”, chúng tôi thấy cồn cào một ước mong được ăn ngay miếng bánh chưng Liên Hà. “Phi nông bất ổn”, một người trong đoàn chúng tôi nhắc câu nói của tổ tiên về nghề nông, càng thấy bình yên làm sao khi đi giữa màu xanh của lúa đang sinh sôi, hứa hẹn mùa vàng bội thu... Bỗng dưng trong tôi hiện lên những nụ cười tươi rói sau vành nón lá của nông dân vào mùa gặt, có cả ánh mắt lấp lánh của người dân Liên Hà khi tự hào về cây lúa, "hạt gạo làng ta"...