Chủ động ứng phó kịp thời

Kinh tế - Ngày đăng : 07:47, 06/08/2022

(HNM) - Theo Bộ Công Thương, riêng nửa đầu năm 2022 đã có 12 vụ việc điều tra mới của nước ngoài về phòng vệ thương mại đối với mặt hàng sắt, thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời của nước ta.

Khi Việt Nam ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, tham gia vào “sân chơi” thương mại toàn cầu, việc phải đối mặt với những biện pháp phòng vệ thương mại (theo quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới) là xu thế tất yếu. Các chuyên gia dự báo, những vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp hơn.

Mặc dù Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, song sự chủ động vào cuộc của doanh nghiệp mới là yếu tố then chốt. Trên thực tế, vấn đề này vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp, ngành hàng thực sự quan tâm và chỉ khi xảy ra những vụ kiện liên quan đến sản phẩm của mình, doanh nghiệp mới tìm kiếm sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Nguyên nhân bởi đây là lĩnh vực phức tạp trong khi nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế.

Để ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại, việc cần làm là doanh nghiệp phải liên tục cập nhật chính sách, thủ tục, quy định và thông lệ quốc tế liên quan. Đồng thời, cần nhận biết các nguy cơ bị kiện tại các thị trường xuất khẩu, nhóm thị trường và loại mặt hàng…

Trong trường hợp trở thành đối tượng của các vụ kiện, doanh nghiệp cần tìm hiểu quy trình thủ tục, chủ động đối diện để ứng phó kịp thời, tránh các bất lợi trong quá trình bị điều tra. Bởi thực tế các vụ việc phòng vệ thương mại thời gian qua cho thấy, nếu không có sự chủ động chuẩn bị, ứng phó kịp thời sẽ khó tránh khỏi sự cố đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Lam Giang