Biến rác thải thành tài nguyên!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 07/08/2022
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có lượng rác thải hàng đầu thế giới và là nước đứng thứ tư thế giới về lượng rác thải rắn xả ra môi trường, ước tính lên tới 1,8 triệu tấn mỗi năm. Không những thế, Việt Nam lại còn là quốc gia nhập khẩu phế liệu đứng thứ hai thế giới với hàng triệu tấn phế liệu các loại mỗi năm.
Từ những con số thống kê nêu trên có thể nêu câu hỏi: Tại sao một quốc gia có lượng rác thải rắn đứng hàng đầu thế giới lại phải nhập khẩu một lượng lớn phế liệu như vậy? Đây có phải là một nghịch lý? Và một điều rất đáng phải suy nghĩ là: Vì sao trên dải đất hình chữ S này có tới hàng nghìn làng nghề tái chế nhưng ngành công nghiệp tái chế vẫn chưa phát triển?
Theo giới chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, ngành công nghiệp tái chế đã hình thành hơn 40 năm ở Việt Nam với hàng triệu người làm việc trong lĩnh vực thu gom, tái chế rác thải, nhưng chỉ mới ở quy mô làng nghề, hộ sản xuất, chưa hình thành được những trung tâm công nghiệp tái chế có công suất lớn, công nghệ hiện đại. Việc này không giải quyết được vấn nạn rác thải tại Việt Nam mà còn gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt với những làng nghề tái chế.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên? Trước hết, tái chế với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là một bài toán khó và cái khó lớn nhất nằm ở khâu phân loại. Ví dụ, chỉ tính riêng nhựa đã có hàng trăm loại sản phẩm khác nhau. Do vậy, khâu đầu tiên và quan trọng nhất để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đưa phế thải quay trở lại phục vụ đời sống, bảo đảm nguyên liệu “đầu vào” cho ngành công nghiệp tái chế là thực hiện hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn.
Cùng với việc ban hành các quy định về thiết kế sinh thái, phân loại rác tại nguồn, tỷ lệ tái sinh bắt buộc cho mỗi sản phẩm nhựa…, cần tạo cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư xây dựng các cơ sở tái chế ứng dụng công nghệ hiện đại, hạn chế các cơ sở hoạt động thủ công quy mô nhỏ; đồng thời hình thành những khu công nghiệp tái chế công nghệ cao làm động lực thúc đẩy, dẫn dắt phát triển ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam.
Mặt khác là chú trọng xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm, bởi đây là yếu tố quan trọng giúp phát triển bất cứ một ngành công nghiệp nào. Với công nghiệp tái chế, cùng với sự hỗ trợ bằng các quy định của pháp luật nhằm tăng tỷ lệ tái chế trong nước, giảm tỷ lệ nhập khẩu phế liệu, cần thúc đẩy các giải pháp tuyên truyền, vận động, qua đó xây dựng một nền văn hóa tiêu dùng bền vững để người dân có thể tiếp cận và đón nhận các sản phẩm công nghiệp tái chế một cách tích cực.
Và điều quan trọng nhất trong việc hạn chế rác thải ra môi trường, phát triển công nghiệp tái chế là thúc đẩy quá trình chuyển đổi, hướng mạnh đến kinh tế tuần hoàn bằng cách quản lý chất thải như một nguồn tài nguyên có giá trị, từng bước thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu thụ bền vững.