Khai thác ''mỏ vàng'' phụ phẩm nông nghiệp
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:29, 07/08/2022
Lãng phí nguồn tài nguyên tự nhiên
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng, là một trong những địa phương sản xuất nông nghiệp, trung bình mỗi năm Sóc Sơn phát sinh khoảng 37,5 nghìn tấn rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và cách xử lý chủ yếu là đốt bỏ ngoài cánh đồng. Việc này không chỉ lãng phí một nguồn nguyên liệu làm phân bón sinh học sử dụng trong sản xuất, mà còn gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2020, huyện đã triển khai mô hình xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ tại 25 xã trên địa bàn, thu hút sự tham gia của các hội đoàn thể và người nông dân. Hiện tại, rơm rạ sau thu hoạch trên địa bàn huyện Sóc Sơn phần lớn được chế biến làm thức ăn cho trâu, bò (khoảng 11%); cày mục ủ hoai tại ruộng hoặc ủ thành phân trồng rau (85%) và đun nấu, làm nấm... (khoảng 4%).
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần T&T 159 (tỉnh Hòa Bình) Hà Văn Thắng cho biết, với số lượng 3.000-4.000 con bò, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công ty đã mua vỏ cây bạch đàn làm đệm lót sinh học nuôi bò và tạo ra 100 tấn phân bón hữu cơ/ngày. Không chỉ đáp ứng nhu cầu phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, mỗi tháng việc này còn đem về cho công ty doanh thu 100-200 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, các loại phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp đều dễ thu gom và có khả năng tái chế, sử dụng. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, nếu được tái sử dụng, những phụ phẩm này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho doanh nghiệp, nông dân mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn như việc sử dụng thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp giúp nông dân vừa tiết kiệm chi phí, vừa chủ động nguồn thức ăn, giảm dần sự phụ thuộc vào cám công nghiệp.
Tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp ở nước ta là khoảng 158,8 triệu tấn; trong đó, 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%) và gần 1 triệu tấn từ thủy sản... Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc chế biến, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam có thể mang lại 4-5 tỷ USD/năm, nhưng hiện nay mới đạt khoảng 275 triệu USD.
Minh chứng cho việc lượng phụ phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam rất lớn nhưng chưa được sử dụng một cách hiệu quả, giá trị kinh tế mang lại vẫn khiêm tốn là trong số 43 triệu tấn rơm thì mới thu gom, sử dụng được khoảng 52,2%; chất thải chăn nuôi cũng chưa được thu gom, sử dụng hiệu quả, chỉ đạt 48% ở quy mô nông hộ. Điều này không chỉ lãng phí nguồn tài nguyên tự nhiên cho sản xuất nông nghiệp mà còn gây ô nhiễm môi trường…
Nhân rộng mô hình khai thác hiệu quả
Để khai thác hiệu quả “mỏ vàng” phụ phẩm nông nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban đề xuất: Các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho người dân về chế biến rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp như việc xử lý rơm rạ trong trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu…; đồng thời chuyển giao công nghệ chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Mặt khác là đẩy mạnh công tác thông tin, giới thiệu các mô hình tận dụng phế phẩm nông nghiệp hiệu quả và hỗ trợ nông dân chế phẩm sinh học để thực hiện các mô hình này.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các mô hình sử dụng tốt phụ phẩm nông nghiệp trong trồng nấm, đậu tương, khoai tây... Cùng với đó là hỗ trợ đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp tại các huyện có diện tích trồng trọt và quy mô chăn nuôi lớn.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho rằng, Nhà nước đã có cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ cao, công nghệ sinh học; có chính sách khuyến khích nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới nhằm xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ...
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thời gian tới, các địa phương cần tập trung khai thác hết tiềm năng, lợi thế từ phụ phẩm nông nghiệp. Theo đó, phải xác định, phụ phẩm nông nghiệp không phải thứ mà người dân bỏ đi, mà “đầu ra” của lĩnh vực sản xuất này sẽ là “đầu vào” của lĩnh vực sản xuất khác, mang lại giá trị cao hơn và tạo thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.