Lãi suất sẽ tiếp tục tăng

Tài chính - Ngày đăng : 06:22, 07/08/2022

(HNM) - Trước nhu cầu vay vốn tiếp tục tăng cao, trong những ngày đầu tháng 8, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động nhằm hút nguồn tiền nhàn rỗi trong người dân và doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia dự báo, lãi suất sẽ còn tăng trong thời gian tới…

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: Quang Thái

Thu hút lượng tiền lớn trong dân

Theo khảo sát tại biểu lãi suất mới nhất của 16 ngân hàng, lãi suất tăng so với tháng trước 0,1-0,65%/năm. Cụ thể, với khối ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng lãi suất 0,1-0,2%. Với kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất tăng lên mức 3,1%/năm, còn ở kỳ hạn 12 tháng lên 5,6%/năm. Trước đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) cũng điều chỉnh lãi suất tăng nhẹ 0,1%.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) điều chỉnh tăng 0,3-0,8%/năm từ đầu tháng 8, tùy gói sản phẩm. Trước đó, vào đầu tháng 7, ngân hàng này cũng có 1 đợt điều chỉnh lãi suất, tăng thêm đến 1%/năm ở một số kỳ hạn. Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng gửi thông báo đến các khách hàng về việc tăng lãi suất huy động 0,1-0,5%/năm. Theo đó, với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 6,7%/năm dành cho khoản tiền gửi trên 50 tỷ đồng, kỳ hạn tối thiểu 36 tháng. Với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, khách hàng sẽ được nhận mức lãi suất cao hơn...

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, lãi suất huy động tăng mạnh trong thời gian qua đã thu hút được lượng tiền lớn trong dân. Theo thống kê gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng lũy kế 7 tháng của năm 2022 tăng 4,21%; tỷ lệ tín dụng trên huy động vốn từ thị trường 1 (tiền gửi doanh nghiệp và dân cư) chiếm 99%. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 26-7 đạt 9,42% so với đầu năm nay, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Còn chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, có gần 11,4 triệu tỷ đồng được các tổ chức kinh tế và người dân gửi tại ngân hàng. Theo đó, tổng số dư tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt gần 5,569 triệu tỷ đồng, tăng 5,07% so với cuối năm 2021.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng ghi nhận lượng tiền gửi tăng, như tiền gửi khách hàng tại VPBank tính đến ngày 30-6 tăng gần 22% so với đầu năm; Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) thu hút lượng tiền gửi tăng gần 14%; TPBank tăng 12%; Bản Việt tăng hơn 10%; Vietcombank đã thu hút được gần 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 5%…

Lãi suất chịu áp lực tăng những tháng cuối năm

Về dự báo lãi suất trong những tháng cuối năm, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Mặc dù vậy, với tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng. VCBS cũng nhận định, áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng trong cả năm 2022. Lãi suất cho vay ghi nhận áp lực tăng, tuy nhiên có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động.

Các chuyên gia cũng dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm khoảng 0,5%, bổ sung nguồn vốn những tháng cuối năm. Con số trên được đưa ra trên giả định các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh cho vay vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó, các chuyên gia đánh giá, chính sách áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng hấp dẫn người gửi tiền. Việc huy động vốn tăng trưởng khá cao cũng được cho là do hoạt động của ngân hàng số tăng tiện ích cho khách hàng gửi tiền, rút tiền không cần đến quầy và áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi thu hút người dùng. Đó là chưa kể trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm, tỷ giá biến động khó lường, bất động sản “chững” thì gửi tiết kiệm được coi là lựa chọn của nhà đầu tư.

Đại diện của một ngân hàng thương mại cho biết, nguồn tiền gửi thanh toán tăng mạnh ở một số ngân hàng trong quý II-2022 vừa qua còn có yếu tố giải ngân đầu tư công. Theo đó, các nhà thầu, thi công luân chuyển vốn ngân sách giải ngân trên tài khoản ngân hàng chờ thanh toán thực hiện công trình, từ đó góp phần đẩy tiền gửi ở một số ngân hàng tăng nhanh trong nửa đầu năm nay.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, lãi suất đồng USD vừa qua bình quân 2 tháng tăng 0,75%, tương đương với 4%/năm, là một điều chưa từng có trong lịch sử Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), gây áp lực cho các đồng tiền khác. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu lượng lớn từ nước ngoài. Đây là thách thức đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ. Do đó, các ngân hàng thương mại đã phải điều tiết lãi suất ngắn hạn để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất điều hành ở Việt Nam vẫn tương đối ổn định.

Thanh Nga