Không được chậm trễ và kéo dài
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 09/08/2022
Trước đó, Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc tương tự vào những ngày cuối tuần, trong đó có cuộc kiểm tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - hai dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp, gây bức xúc cho cử tri và nhân dân.
Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ khi đi kiểm tra các dự án này rất rõ ràng là để rà soát tổng thể tình hình triển khai; xác định những khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân của những vướng mắc; thẩm quyền giải quyết thuộc các bộ, ngành, đơn vị, địa phương; giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ dự án. Qua đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới của từng bộ, ngành, địa phương; mốc tiến độ cần đạt được và công tác tổ chức thực hiện...
Có thể thấy, một trong những ưu tiên hiện nay là quyết liệt giải quyết các dự án tồn đọng qua nhiều năm. Do đó, vấn đề lớn nhất là làm sao phải biến những chuyển động ở tầm cao là quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những chuyển biến tầm gần. Cụ thể là các đơn vị, địa phương và mỗi cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý dự án đến các nhà thầu thi công phải thấy rõ trách nhiệm để công việc được tiến hành trôi chảy, dự án về đích đúng kế hoạch.
Trước đây, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn nói về chuyện giao vốn chậm, giao vốn nhiều lần rồi điều chuyển kế hoạch vốn hằng năm chậm, khó khăn, nhưng hiện nay tình hình này đã cơ bản không còn và địa phương được toàn quyền điều chuyển vốn giữa các dự án do mình quản lý, từ dự án có nhu cầu vốn thấp sang dự án có nhu cầu vốn cao... Vì thế, trong vấn đề xử lý các dự án chậm triển khai có trách nhiệm rất lớn của các địa phương.
Mặt khác, trong quá trình xử lý, tháo gỡ khó khăn các dự án cần bóc tách, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, địa phương đối với chủ đầu tư chậm triển khai dự án, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Cùng với đó là tăng cường năng lực quản lý dự án, định kỳ hằng tuần, hằng tháng… tổ chức giao ban tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu thi công. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm cá nhân đối với những người được giao quản lý trong lĩnh vực này, tránh để rơi vào tình trạng “công lao cá nhân, trách nhiệm tập thể”…
Về phía các chủ đầu tư, cần nêu cao trách nhiệm xã hội, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến dự án chậm triển khai. Cùng với đó là quyết liệt yêu cầu những cán bộ không đủ bản lĩnh, không đủ sức khỏe công tác “đứng sang một bên” để tạo điều kiện cho những người nhiệt huyết, trách nhiệm cống hiến có cơ hội thể hiện khả năng. Kinh nghiệm cho thấy, nếu người đứng đầu trì trệ thì cả “cỗ máy” phía sau sẽ bị ảnh hưởng và ngược lại. Do đó, bên cạnh việc tăng cường giám sát, giao ban đốc thúc tiến độ, cần mạnh dạn giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu.
Mỗi một dự án tầm quốc gia chậm tiến độ 1 tháng kéo theo sau đó là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đội vốn, là căn nguyên của thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Đó còn là uy tín của Đảng, Nhà nước trước nhân dân bị mai một, vì vậy không được phép để dự án chậm trễ và kéo dài hơn nữa.