Vơi dịu nỗi đau da cam
Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 10/08/2022
Cùng quan tâm, chăm lo
Theo Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cả nước hiện có gần 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi dành cho người có công với cách mạng. Hằng năm, ngân sách nhà nước dành khoảng 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam…
Cùng với sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đồng hành, trợ giúp nạn nhân và gia đình họ về nhiều mặt. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, sau hơn 18 năm xây dựng và hoạt động (từ đầu năm 2004 đến nay), hội có tổ chức ở trung ương, 63 tỉnh, thành phố; hơn 600 quận, huyện, thị xã và gần 7.000 xã, phường, thị trấn với hơn 400.000 hội viên. Tổ chức hội vừa là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sống, vừa là điểm tựa để những hội viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp thêm sinh kế. Những năm qua, các cấp hội đã vận động số tiền và hiện vật đạt trị giá gần 3.000 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hàng nghìn căn nhà tình nghĩa, hàng vạn suất học bổng, duy trì hoạt động của 26 trung tâm bảo trợ xã hội dành cho nạn nhân chất độc da cam...
Chung tay xoa dịu nỗi đau mang tên da cam còn có sự tham gia tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong cộng đồng. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái, qua các cuộc kháng chiến, Hà Nội ghi nhận hơn 50.000 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trong đó có hơn 13.000 người hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, các trường hợp nhận được sự quan tâm khác nhau. Nhờ đó, thành phố cơ bản không còn gia đình có nạn nhân da cam thuộc diện hộ nghèo. Không ít nạn nhân nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi, nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Có thể kể đến ông Kiều Duy Thân (xã Tam Đồng, huyện Mê Linh) đã hiến đất làm đường giao thông và có mô hình phát triển kinh tế đang tạo việc làm cho gần 40 con em gia đình chính sách. Ông Cao Xuân Oanh (xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ), với mô hình phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng, mang lại thu nhập khá…
Tiếp tục trợ giúp về nhiều mặt
Nỗi đau mang tên da cam tuy được xoa dịu theo thời gian, nhưng vẫn còn nặng nề, dai dẳng khi cả nước ghi nhận gần 40.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3, đã có nạn nhân thế hệ thứ 4. Đời sống của không ít nạn nhân da cam và gia đình họ còn khó khăn do sức khỏe yếu, cần tiếp tục nhận được sự trợ giúp thường xuyên. Trên tinh thần đó, cùng với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, các địa phương, cơ quan chức năng tiếp tục triển khai nhiều chương trình, hoạt động vì nạn nhân da cam.
Đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng chế độ theo quy định, các bên liên quan rà soát, thẩm định hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền xem xét; đồng thời đẩy mạnh công tác chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nạn nhân chất độc da cam.
Việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống cho nạn nhân da cam và gia đình của họ luôn được các cấp, ngành cùng thực hiện. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho hay, các cấp hội tập trung đưa phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” phát triển theo chiều sâu, phấn đấu trao tặng tối thiểu 1,5 triệu suất quà/năm cho người nghèo, nạn nhân da cam. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp vận động, huy động nguồn lực để trợ giúp kịp thời về nhiều mặt cho hội viên.
Đồng hành với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong nhiều chương trình, Giám đốc Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 Đỗ Thị Hòa khẳng định: “Sự quan tâm về vật chất, tinh thần của cộng đồng là nguồn lực, động lực quan trọng để nạn nhân da cam vơi dịu nỗi đau. Nhân dịp 61 năm Ngày Thảm họa da cam, chúng tôi kêu gọi người dân nhắn tin với cú pháp: DA CAM gửi 1409 để ủng hộ 20.000 đồng/tin nhắn cho nạn nhân, không hạn chế số lượng tin nhắn”.
Trong các chương trình trợ giúp xã hội, các tổ chức, đoàn thể luôn ưu tiên đối tượng là nạn nhân da cam. “Tất cả sự quan tâm đó đã góp phần tạo nên sức mạnh, động lực, niềm tin để nạn nhân da cam và gia đình họ ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhấn mạnh.