Quyết liệt xử lý vi phạm pháp luật đê điều
Đời sống - Ngày đăng : 07:16, 10/08/2022
Đó là trường hợp Công ty cổ phần Chế tạo máy Hồng Hà; Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phong Cảnh; Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất Hoàng Gia; hộ ông Phạm Văn Bẩy đã có hành vi xây dựng công trình nhà xưởng, lắp dựng trạm trộn bê tông, tập kết vật liệu xây dựng với quy mô lớn trên bãi sông, ảnh hưởng an toàn đê điều và khả năng thoát lũ sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn các xã: Ninh Sở, Thống Nhất, Vạn Điểm.
Trong khi các vụ việc trên chưa xử lý dứt điểm, các xã: Ninh Sở, Hồng Vân tiếp tục để phát sinh 9 vụ vi phạm có tính chất nghiêm trọng, như: Xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và trên đất nông nghiệp với quy mô lớn...
Theo Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Thường Tín Phùng Văn Thạch, khi phát hiện vi phạm, đơn vị đã phối hợp UBND các xã, đơn vị liên quan thiết lập và gửi hồ sơ vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều đến các cấp chính quyền địa phương để xử lý theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các vi phạm nêu trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Nguyễn Thanh Hưng cho biết, từ năm 2021 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành 28 văn bản chỉ đạo các xã ven đê tập trung kiểm tra, ngăn chặn và xử lý dứt điểm những vụ việc vi phạm pháp luật đê điều, phòng chống thiên tai, quản lý đất bãi sông. UBND huyện đã phối hợp cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đê điều, đất đai...
Giải thích về việc để xảy ra nhiều vụ việc và chậm xử lý vi phạm, lãnh đạo các xã: Ninh Sở, Hồng Vân, Vạn Điểm, Thống Nhất cho rằng nguyên nhân là do địa phương có nhiều khu dân cư tồn tại lâu đời ngoài bãi sông, ven đê. Nhu cầu của người dân trong sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, xây mới nhà ở, mở rộng mặt bằng phát triển ngành nghề thủ công truyền thống ngày càng lớn. Hơn nữa, một số trường hợp vi phạm pháp luật đê điều đồng thời vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng gây khó khăn, lúng túng cho chính quyền địa phương...
Ngày 28-7 vừa qua, UBND huyện Thường Tín yêu cầu các xã: Ninh Sở, Hồng Vân, Vạn Điểm, Thống Nhất... xem xét, đánh giá trách nhiệm của cán bộ, công chức có liên quan đã không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các cấp, các ngành để phát sinh, chưa xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm pháp luật đê điều, đất đai. “Trong tháng 8 này, các xã phải hoàn thành việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử lý dứt điểm vi phạm tồn tại. Trường hợp vượt thẩm quyền, các xã báo cáo để UBND huyện kiến nghị, đề xuất UBND thành phố và các sở, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo xử lý...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản yêu cầu.