Hộ chiếu không có "nơi sinh" là vấn đề mang tính kỹ thuật

Đời sống - Ngày đăng : 09:33, 10/08/2022

(HNMO) - Sáng 10-8, trong khuôn khổ phiên họp thứ mười bốn, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an, do Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chịu trách nhiệm trả lời chính.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn.

Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) liên quan đến hộ chiếu mẫu mới không có nơi sinh, không được một số quốc gia chấp nhận cấp thị thực, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, hộ chiếu mẫu mới đáp ứng yêu cầu bảo an cao hơn và chống nguy cơ làm giả, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Việc hộ chiếu mới không có thông tin nơi sinh, theo quy định của ICAO, các thông tin khác như nơi sinh tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc phải có.

Về vấn đề một số nước châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng của các nước và xác định đây là vấn đề mang tính kỹ thuật, hộ chiếu thiếu nơi sinh sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại.

Do đó, để giải quyết vấn đề trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước trong khu vực Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu, Bộ Công an đã thống nhất với Bộ Ngoại giao, trước mắt tiến hành bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị. Về lâu dài, Bộ trưởng cho biết sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục “nơi sinh” trang nhân thân hộ chiếu.

Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) về đồng bộ hóa giấy tờ liên quan tới căn cước công dân gắn chíp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ đang đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, bảo đảm kết nối liên thông đồng bộ. Về tình trạng một số dữ liệu hiện chưa được đồng bộ, Bộ trưởng nhấn mạnh, chỉ khi dữ liệu bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” thì mới được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Đối với sai sót dữ liệu căn cước công dân do đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chất vấn, Đại tướng Tô Lâm cho rằng, một phần do người dân khai chưa đúng, chưa đủ; cũng có nguyên nhân do cán bộ thực hiện tắc trách, làm ẩu, nhưng số này không nhiều.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình.

Liên quan đến kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cơ sở pháp lý của vấn đề này là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kết nối hai cơ sở dữ liệu, góp phần phát triển, xây dựng, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu có liên quan, bao hàm cả dịch vụ công và một số giao dịch về kinh tế - xã hội, giao dịch tư nếu đáp ứng các điều kiện cơ sở pháp lý trực tiếp. 

“Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan. Tính đến thời điểm hiện nay, cả Trung ương và địa phương đã tiến hành rà soát trên 3.000 văn bản; dự kiến sửa đổi, bổ sung 200 văn bản liên quan đến công tác này”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, thực tế có những thông tin không khớp khi so sánh thông tin của tỉnh với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Để xử lý việc này, cần căn cứ trên quy định của pháp luật hiện hành, trước hết là Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân. Bộ Tư pháp và Bộ Công an cần kịp thời phối hợp chặt chẽ để giải quyết những tồn tại, hạn chế này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) chất vấn.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, do thời gian và nội dung chất vấn không nhiều, nội dung của hai lĩnh vực có phạm vi rất rộng, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác chất vấn và trả lời chất vấn, đề nghị các đại biểu Quốc hội bám sát chủ đề chất vấn để đặt câu hỏi ngắn, gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao.

“Các bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không né tránh, đúng trọng tâm, đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả khả thi cho cả trước mắt và lâu dài để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực, vấn đề, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để làm cơ sở thực hiện giám sát”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tiến Thành