Đổi mới nội dung, chất lượng công tác thông tin cơ sở để phù hợp với tình hình mới
Đời sống - Ngày đăng : 13:04, 10/08/2022
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai chủ trì buổi làm việc với Đoàn khảo sát. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của thành phố Hà Nội.
Báo cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho thấy, 5 năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TƯ gắn với thực hiện Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 6-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở đã góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tổ chức công tác thông tin cơ sở. Trong đó, hệ thống thiết chế thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố cơ bản phát huy được vai trò, chức năng là cầu nối cung cấp, chuyển tải và phản hồi thông tin giữa người dân với Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, hoạt động thông tin cơ sở ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả theo xu hướng phát triển công nghệ thông tin và truyền thông. Đồng thời, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nâng cao chất lượng công tác thông tin cơ sở phù hợp với từng nhóm đối tượng trong xã hội, điều kiện thực tế của từng cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị.
Theo thống kê, hiện thành phố Hà Nội có 579 đài truyền thanh cơ sở (100% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh). Thực hiện Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 7-9-2020 của UBND thành phố về nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố, một số quận, huyện, thị xã đang đầu tư chuyển đổi sang đài công nghệ ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông với mục tiêu 100% hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2025.
Tại cuộc khảo sát, các thành viên Đoàn khảo sát Trung ương và các sở, ngành, đơn vị của thành phố đã thảo luận về thực trạng, những thuận lợi, khó khăn và các kiến nghị cụ thể để công tác thông tin cơ sở đáp ứng được hiệu quả trong tình hình mới của Thủ đô. Cụ thể, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức cung cấp thông tin, quản lý nội dung thông tin; công tác tiếp nhận thông tin và trả lời thông tin phản ánh của người dân thông qua công tác thông tin cơ sở; việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông trong tổ chức hoạt động thông tin cơ sở…
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai điểm lại những thành tựu đáng ghi nhận mà thành phố Hà Nội đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TƯ; đồng thời, nêu lên những khó khăn mà thành phố gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện công tác thông tin ở cơ sở để đáp ứng với tình hình mới hiện nay.
Phát biểu kết luận cuộc khảo sát, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đánh giá những kết quả nổi bật của thành phố Hà Nội trong thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TƯ, đặc biệt là những mô hình, cách làm hay và kinh nghiệm triển khai của Hà Nội sẽ giúp Ban Chỉ đạo có thêm thông tin để hoàn thiện báo cáo sơ kết đánh giá 5 năm thực hiện Chỉ thị. Nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TƯ đã thực sự đi vào cuộc sống tại các địa phương trên địa bàn Thủ đô, đồng chí Phan Tâm cho rằng, cần có thêm các cơ chế, chính sách cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thông tin cơ sở phát triển hơn nữa.
Chỉ ra những tồn tại trong cách thức truyền thông cũ cần khắc phục, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị, thành phố Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin cơ sở, đa dạng hóa các hình thức thông tin; đồng thời, xây dựng hệ sinh thái các thiết chế thông tin cơ sở để hỗ trợ, bổ sung cho nhau và qua đó phát huy được vai trò, chức năng của hệ thống thông tin cơ sở tại mỗi địa phương trong tình hình mới.