Bài 4: Kết nối, mở rộng không gian văn hóa
Văn hóa - Ngày đăng : 06:11, 11/08/2022
Tạo lập giá trị văn hóa mới
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa kỳ vọng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khi hình thành sẽ kết nối những mạch nguồn văn hóa trong một không gian rộng lớn của Đồng bằng sông Hồng.
Không gian phố cổ Hà Nội với những Hoàng thành Thăng Long, đền Bạch Mã… sẽ kết nối cùng không gian văn hóa xứ Đoài với Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm… và vùng đất giàu lịch sử Hưng Yên với Phố Hiến, Văn miếu Xích Đằng…, tạo nên một vùng văn hóa rộng lớn chất chứa đặc trưng văn minh sông Hồng. Các loại hình văn hóa phi vật thể, như: Ca trù, hát chèo tàu, hát trống quân… theo sự mở rộng giao lưu của con người sẽ lan tỏa với nhiều chiều. Và những lễ hội truyền thống: Lễ hội Cổ Loa, Phù Đổng, làng Lệ Mật… sẽ ngày càng đông vui, khi giao thông thuận tiện hơn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam, với đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, giao thông thuận lợi hơn, văn hóa đặc trưng của các làng quê có cơ hội lan tỏa nhiều hơn và người yêu văn hóa sẽ biết và tìm đến Đan Phượng - đất “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với những ngôi làng, đình, chùa cổ kính: Đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân; các lễ hội đặc sắc: Thả diều, đấu vật; các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, như: Ca trù, hát chèo tàu…
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tạo thuận lợi cho việc kết nối các không gian văn hóa trên địa bàn, như: Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, Nhà thờ họ nội Đại thi hào Nguyễn Du, chùa Bối Khê…; làng cổ Cự Đà, làng nghề nón Chuông và nhiều làng nghề khác với không gian văn hóa rộng lớn của Vùng Thủ đô và Đồng bằng sông Hồng.
Có thể nói, sự liên kết giao thông đã mở ra một hướng mở mới cho giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền; đồng thời gia tăng tính hấp dẫn của văn hóa Thủ đô. Mặt khác, cùng với việc hình thành đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ là sự hình thành các khu đô thị vùng giáp ranh với các công trình văn hóa, thương mại hiện đại. Đây không chỉ là nơi quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm làng nghề mà còn lan tỏa tinh hoa văn hóa của người Hà Nội; mở ra cơ hội tiếp nhận những sắc thái văn hóa vùng, miền, từ đó hình thành những giá trị văn hóa mới trong đời sống xã hội.
Thúc đẩy phát triển du lịch
Vành đai 4 - Vùng Thủ đô không chỉ tạo ra một hành lang văn hóa, mà còn giữ vai trò kết nối các mạch ngầm văn hóa trong một không gian rộng mở của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng. Đây không chỉ là nơi lưu giữ một khối lượng “khổng lồ” di tích lịch sử, văn hóa, nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống…, mà còn chứa đựng những tâm thức nghìn đời của người dân nước Việt. Khai thác như thế nào để những giá trị này thật sự trở thành một động lực phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề đã và đang được đặt ra.
Theo giới chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với năng lực liên kết Hà Nội và các địa phương Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ tạo động lực phát triển “ngành công nghiệp không khói”; đồng thời, thúc đẩy liên kết các ngành nghề, làng nghề trong một không gian phát triển mới, mang lại những giá trị văn hóa mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi đây.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô hoàn thành sẽ tạo động lực mới cho việc phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn, như: Du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái… Thời điểm hiện tại, cùng với việc khẩn trương rà soát, thống kê diện tích cần thu hồi để có thể đẩy nhanh tốc độ triển khai các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đoạn qua địa bàn), huyện Thanh Oai đang thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, xây dựng các mô hình du lịch văn hóa, du lịch nông thôn…; tổ chức kết nối với các địa phương, doanh nghiệp mở rộng liên kết vùng, tạo bứt phá mới nhằm phát triển ngành “công nghiệp không khói” trên địa bàn.
Không chỉ huyện Thanh Oai, nhiều địa phương có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua cũng có những dự định, kế hoạch phát triển phù hợp, riêng có. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cho biết, dự án trải dài qua nhiều xã trên địa bàn huyện, không chỉ kết nối, giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội mà còn là cầu nối để Đan Phượng khai thác tiềm năng, vị thế gắn với phát triển du lịch văn hóa. Huyện Đan Phượng đang đề nghị thành phố xem xét mở các đường “vào” và đường “ra” để người dân thành phố cũng như du khách các địa phương thuận lợi hơn khi đến với Đan Phượng.
Du lịch văn hóa gắn với các giá trị văn minh sông Hồng là nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác. Do vậy, các địa phương cần chú trọng khai thác những giá trị văn hóa đã được quốc tế thừa nhận: Dân ca quan họ, ca trù…; những giá trị văn hóa, lịch sử nổi trội: Di tích Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long… cũng như các giá trị văn hóa truyền thống làng quê của Thăng Long - Hà Nội, xứ Đoài, Kinh Bắc… đã đi vào tâm thức mỗi người, để tạo ra những sản phẩm du lịch thật sự đặc sắc.
Con đường mới mở ra kỳ vọng mới và cũng là cơ hội để các địa phương có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua vươn lên mạnh mẽ hơn.
(Còn nữa)