Xuất khẩu gạo tạo đột phá mới

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:22, 11/08/2022

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, gạo là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng của năm 2022, xuất khẩu gạo cả nước đạt 4,19 triệu tấn, tương đương hơn 2 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục dù thị trường thế giới đang có nhiều biến động.

Dây chuyền bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ).

Giá gạo xuất khẩu tăng cao

Gạo là một trong những mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng lớn trong các nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết: Về chủng loại, tỷ lệ gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4% trong tổng số gạo xuất khẩu... Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, dù với tỷ trọng nhỏ nhưng đã góp phần đa dạng chủng loại và khẳng định được giá trị mặt hàng gạo xuất khẩu. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện tại được giao dịch ở mức 413 USD/tấn, cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo của thế giới. Để giữ giá bán, nhiều nhà máy đã đầu tư các kho lạnh hiện đại, dự trữ an toàn, chủ động nguồn hàng xuất khẩu.

Những tháng qua, Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước; tiếp đó là thị trường Trung Quốc, châu Phi... Bên cạnh các thị trường truyền thống, gạo Việt Nam đã thâm nhập vào các thị trường lớn, có giá trị cao. Trong nhóm các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, thị trường Hoa Kỳ có mức tăng trưởng mạnh nhất (tăng 65,3% trong nửa đầu năm).

Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam, gạo Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường mới, cao cấp như Hoa Kỳ, châu Âu... Đặc biệt, Nhật Bản đã chính thức nhập khẩu 100 tấn gạo ST25 đầu tiên của Việt Nam để bán tại các siêu thị, cửa hàng... Nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới đang khan hiếm nên nhu cầu nhập khẩu gạo và giá gạo của Việt Nam trên thị trường rất cao.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang tận dụng tối đa việc nhu cầu tăng cao từ thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) Nguyễn Văn Thành cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường vẫn ở mức cao, đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc. Gạo Việt Nam đang mở rộng tới nhiều thị trường nên các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế này để gia tăng sản lượng xuất khẩu.

Tận dụng lợi thế, duy trì tăng trưởng

Với mục tiêu năm 2022 xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,3 tỷ USD, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, xuất khẩu gạo hoàn toàn có thể “cán đích”, thậm chí vượt kế hoạch Bộ NN&PTNT đề ra. Để làm được việc đó, các doanh nghiệp cần khai thác triệt để lợi thế về giá, về nhu cầu thị trường và nhóm thị trường.

Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh Vũ Thị Huệ chia sẻ: “Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, cơ hội cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang khu vực này rất lớn và nhu cầu gạo từ Việt Nam của thị trường châu Âu rất cao. Mặc dù cước tàu biển và nhiều chi phí khác tăng, song nếu doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế quan thì có thể thu lãi 175 euro/tấn gạo. Giá gạo Việt Nam tại thị trường châu Âu có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều và đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu thâm nhập thị trường này.

Nhận định “cùng với việc tận dụng các cơ hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo cũng phải chủ động đối mặt với thách thức và khắc phục những khó khăn, tồn tại để phát triển bền vững...”, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho rằng, cần theo dõi thông tin biến động của thị trường Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược phù hợp. Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu có yêu cầu rất cao về chỉ số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên doanh nghiệp cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động phương án xuất khẩu gạo và tận dụng những lợi thế hiện có, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, cập nhật những diễn biến về thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị; đồng thời phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Cùng với đó là thu hút nguồn lực về tài chính, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững với các chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, như: SRP, GlobalGAP, VietGAP…

Còn Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam khuyến nghị: Các doanh nghiệp ngành lúa gạo nên tập trung sản xuất dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại những thị trường này rất lớn; đồng thời nắm bắt diễn biến nhu cầu từ thị trường truyền thống, chủ động các hoạt động xuất khẩu để mang lại hiệu quả cao nhất.

Đỗ Minh