Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
Chính trị - Ngày đăng : 12:16, 11/08/2022
Trình bày tờ trình đề nghị của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành.
Trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có thay đổi, bộc lộ tồn tại, hạn chế, cần thiết phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, như phạm vi điều chỉnh chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc xác định nội hàm quản lý đối với vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp chưa được xuyên suốt; việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong thực tiễn.
Một số nội dung về quản trị doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp F1) còn bất cập; đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ chưa có quy định cụ thể nội dung quyết định như doanh nghiệp F1. Đối với doanh nghiệp F2, do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, cũng cần rà soát bổ sung những quy định về quản trị doanh nghiệp, về phân phối lợi nhuận sau thuế, về phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư...
Các cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước ngoài các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố còn có Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, do đó cần được rà soát điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo chủ trương phân cấp mạnh cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan chủ sở hữu... Việc xây dựng luật còn bảo đảm thống nhất, phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
“Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm (tháng 5-2023), thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023)”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban và các cơ quan của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước; kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc của luật hiện hành.
Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ về từng nội dung cụ thể trong các nhóm chính sách, thể hiện nhất quán các nội dung chính sách được đề xuất trong các quy định của dự thảo Luật, bảo đảm sự đồng bộ giữa nội dung chính sách của dự án Luật với các luật hiện hành.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương cần bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm (tháng 5-2023), thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023). Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ còn nhiều vấn đề về chính sách chưa đủ rõ, cần bổ sung làm rõ hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao lại cho Chính phủ khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự án luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong các phiên họp tới.
* Sáng cùng ngày, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua hai dự thảo: Nghị quyết về thành lập thị trấn Bình Phú (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang); Nghị quyết về thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).