Quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Đời sống - Ngày đăng : 14:15, 12/08/2022

(HNMO) - Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng. Đây là vấn đề được đề cập tại tọa đàm với chủ đề: "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 12-8.

Thiếu thuốc trầm trọng

Là bệnh viện tuyến đầu của Trung ương, mỗi ngày cần dùng số lượng thuốc, sinh phẩm rất lớn, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin: Thiếu thuốc vấn đề rất nóng, không phải với riêng Bệnh viện Bạch Mai mà của cả ngành Y tế.

Ông Đào Xuân Cơ cho hay, sau khi dịch Covid-19 kiểm soát tốt, bắt đầu sang quý II-2022, số lượng bệnh nhân đến với Bệnh viện Bạch Mai tăng lên đột biến, hầu hết các chuyên khoa đều tăng đến 5 lần, làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư, thuốc nay trầm trọng hơn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là 15 năm qua, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác y tế. Hầu hết thiết bị y tế là liên doanh, liên kết, máy đặt, máy mượn. Khi các máy, thiết bị này hết hợp đồng liên doanh, liên kết thì dừng hoạt động. Thứ nữa, các cơ quan hậu kiểm, khi kiểm tra các hoạt động liên doanh, liên kết, xã hội hóa ở Bệnh viện Bạch Mai cũng phát hiện các thiết bị, vật tư y tế, máy móc chẩn đoán, như máy chụp chiếu, siêu âm, cộng hưởng từ, máy test CT, các máy kỹ thuật cao như robot phẫu thuật không đáp ứng được các quy định, quy chuẩn về pháp lý để tiếp tục thực hiện.

“Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân có bảo hiểm y tế đến chiếm hơn 90%, kể cả khi số máy móc trên được đưa vào sử dụng cũng không thể phục vụ cho người bệnh có bảo hiểm y tế vì cơ quan bảo hiểm hiện tại không thể thanh toán cho người bệnh. Ban lãnh đạo bệnh viện đã có các văn bản, báo cáo cụ thể với Bộ Y tế, các cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Hà Nội, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc để các thiết bị sớm được đưa vào hoạt động”, ông Đào Xuân Cơ trần tình.

Về thuốc, Bệnh viện Bạch Mai chỉ thiếu những thứ thuốc thiết yếu vì không có nhà cung ứng. Nguyên do là đứt chuỗi cung ứng. Thậm chí một số thuốc kháng sinh Việt Nam đang sản xuất được thì nguyên liệu nhập vào bị cắt từ bên ngoài, không cung ứng được nữa. Đây là nguyên nhân hết sức khách quan.

Liên quan đến cơ sở pháp lý, ông Đào Xuân Cơ cũng cho biết, một số văn bản pháp quy, thông tư, nghị định không còn cập nhật nữa như thông tư về phân loại, mua sắm trang thiết bị vật tư. Khi bắt tay làm thì thấy những quy định không cập nhật, gây khó khăn cho việc mua sắm, đấu thầu. Cần làm sao cho những văn bản pháp quy trở thành các công cụ hữu ích, tiện ích cho các cơ sở, bệnh viện, cơ sở y tế mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế được thuận tiện, minh bạch, công khai.

Liên quan vấn đề này, TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, yếu tố sức khỏe là số một. Song thiếu thuốc không chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai mà còn ở nhiều bệnh viện, cơ sở y tế.

Phải có hướng khắc phục hiệu quả

Trước các bất cập nêu trên, TS Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế nhấn mạnh thiếu thuốc, vật tư y tế không phải vấn đề mới có mà rất lâu rồi. Vừa qua, Bộ Y tế đã quyết định lập 4 đoàn đi kiểm tra vấn đề thiếu thuốc, vật tư ở cơ sở y tế. 

“Chúng ta cần số liệu, khảo sát rõ ràng mới có giải pháp khắc phục. Ở nguyên nhân liên quan pháp lý, theo ý kiến cá nhân của tôi, hầu như 90% văn bản pháp lý không theo kịp được thực tế. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến thiếu thuốc, vật tư y tế. Có những danh mục thuốc thừa. Chúng tôi cũng có yêu cầu khi lập kế hoạch đấu thầu phải dùng 80% nhưng có những thuốc nhu cầu sử dụng chỉ 20%. Như vậy không phải thiếu thuốc ở tất cả các loại, các đơn vị”, TS Nguyễn Thị Hồng Ngọc nêu. 

Từ đó, TS Nguyễn Thị Hồng Ngọc cho rằng, cần dựa vào kết quả của 4 đoàn kiểm tra do Bộ Y tế lập để có đánh giá, giải pháp góp phần khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.

Thế nhưng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang nhận định, bây giờ Bộ Y tế mới thành lập 4 đoàn đi kiểm tra, đánh giá tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nếu nói về độ nhạy cảm về mặt quản lý nhà nước là chậm. Bởi vì tình trạng thiếu thuốc đã có từ lâu và đỉnh điểm là vừa rồi, thì lẽ ra để đánh giá khách quan thực trạng, không phải đến bây giờ mới thành lập đoàn khảo sát mà chúng ta phải làm trước đó.

Nhìn nhận tình trạng thiếu thuốc ảnh hưởng lớn đến người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo, là nhóm yếu thế trong xã hội, do đó nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến dân sinh chứ không chỉ ngành Y tế, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: Đầu tiên, các bộ gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trình Chính phủ. Sự vào cuộc quyết liệt của các bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là giải pháp trước mắt tháo gỡ thực trạng. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần xem xét lại các thông tư, đăng ký thuốc, đấu thầu thuốc...

Hà Phong