Tăng cường xử lý buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 12/08/2022
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo 389), trong 7 tháng năm 2022, thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các cơ quan chuyên trách (quản lý thị trường, hải quan, công an…) của thành phố đã xử lý 6.530 vụ vi phạm, xử phạt với tổng số tiền trên 800 tỷ đồng.
Đơn cử, lô hàng do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu K.L.T đứng tên làm thủ tục nhập khẩu. Theo khai báo hải quan, lô hàng nhập khẩu gồm trên 13 tấn vỏ ốc đã xử lý sạch khô. Tuy nhiên, qua điều tra nghiệp vụ, lực lượng Hải quan thành phố Hồ Chí Minh phát hiện có dấu hiệu bất thường. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phía trong cất giấu nhiều hàng hóa không khai báo hải quan, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, gồm: 600kg cá ngựa khô, 38 xương động vật được xác định là xương hổ, báo, 86kg vảy tê tê. Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra, khởi tố theo thẩm quyền.
Trong khi đó, tại 5 tỉnh Đông Nam Bộ gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu, lực lượng chức năng cũng đã triệt phá hàng ngàn vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Điển hình như tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.603 vụ, phát hiện, bắt giữ 1.393 vụ; trong đó, 77 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng cấm, 1.246 vụ gian lận thương mại, 70 vụ hàng giả.
Còn tại 13 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng buôn lậu cũng diễn biến hết sức phức tạp. Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, trong 7 tháng năm 2022, lực lượng chức năng trong tỉnh đã bắt giữ 883 vụ về hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ trên 141,4 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã khởi tố 14 vụ/18 đối tượng.
Nổi bật trong số này là khoảng 10h30 ngày 5-8-2022, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang bắt quả tang Nguyễn Văn Lý (sinh năm 1992, ngụ phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc) đang bốc dỡ hàng hóa. Tiến hành kiểm tra xe tải và nơi đối tượng Lý thuê làm kho và điểm kinh doanh, cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ khoảng 23.000 lít và trên 2,6 tấn dầu nhớt, mỡ bôi trơn, phụ gia các nhãn hiệu như: Castrol, Shell, Motul, Honda, Yamaha... Uớc tính ban đầu trị giá hàng hóa khoảng 3 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, thực tế đang diễn ra sự gia tăng tội phạm gian lận thương mại, tội phạm rửa tiền, sản xuất và lưu hành tiền giả, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả... Tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi, phối hợp chia sẻ thông tin giữa các bên để nắm chắc địa bàn, đối tượng, phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm... để có biện pháp phòng, chống hữu hiệu.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, địa phương tiếp tục duy trì các tổ công tác phòng, chống buôn lậu trên tuyến biên giới, kiên quyết đấu tranh không để phát sinh điểm nóng gây bức xúc dư luận xã hội.
Xác định địa bàn thành phố là nơi các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, các đầu nậu hàng gian, hàng giả tập kết hàng hóa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thắng, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố cho biết: Để xử lý vấn đề này, UBND thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động phối hợp chặt chẽ để phát huy sức mạnh tổng hợp, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các vụ việc có tính chất phức tạp, nguy hiểm, nhằm răn đe, trấn áp tội phạm.
"Thành phố tập trung phát hiện và ngăn chặn kịp thời các nguy cơ, hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền chất cũng như các chất ma túy qua các tuyến trọng điểm như sân bay, bưu điện. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không tham gia, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả", bà Nguyễn Thị Thắng nói.