Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều phụ huynh chưa nhận được tin nhắn hẹn đưa con em đi tiêm
Xã hội - Ngày đăng : 11:07, 13/08/2022
Theo số liệu được Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh công bố sáng 13-8, riêng trong ngày 12-8, tổng số bệnh nhi nhiễm Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện nhi của thành phố là 13 em, tăng 2 trường hợp so với ngày 11-8. Tất cả số bệnh nhi này đều chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em tại thành phố Hồ Chí Minh trong nhóm thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, trong số các em nhiễm Covid-19 phải nhập viện điều trị nêu trên, có nhiều em thuộc diện chỉ định tiêm, nhưng các bậc phụ huynh chưa cho con em mình tiêm vắc xin.
Để tìm hiểu lý do, ngày 12-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh đã khảo sát nhanh các thông tin liên quan đến tiêm vắc xin phòng Covid-19 của 609 phụ huynh có con em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi đang theo học tại các trường trên địa bàn 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức (bao gồm 369 trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và 240 trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi).
Kết quả ghi nhận có 133/609 trẻ vẫn chưa được tiêm vắc xin (chiếm 21,8%), trong đó, có 17 phụ huynh không nhận được bất kỳ tin nhắn nào của nhà trường kêu gọi phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Có 37 phụ huynh đã ký đồng thuận tiêm trước đó nhưng cũng chưa nhận được tin nhắn của nhà trường thông báo ngày tiêm, điểm tiêm, và có đến 84 phụ huynh cho biết chưa nhận được bất cứ khảo sát nào của nhà trường hỏi về tiền sử mắc và tiêm vắc xin phòng Covid-19 của các cháu.
Sở Y tế thành phố đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo khẩn trương chỉ đạo các phòng Giáo dục quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Ban giám hiệu tất cả trường học từ trường mầm non đến các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tăng cường công tác truyền thông, nhất là gửi tin nhắn đến từng phụ huynh học sinh về lợi ích của tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh. Đồng thời, tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ, cán bộ, nhân viên, người lao động có nguy cơ tiếp xúc người mắc Covid-19 và trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi.
Đồng thời, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đề nghị UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đặc biệt quan tâm chỉ đạo phòng Giáo dục, phòng Y tế và Trung tâm Y tế tăng cường truyền thông đến từng hộ gia đình trên địa bàn, tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 50 tuổi, có bệnh nền,…), cán bộ, nhân viên, người lao động có nguy cơ tiếp xúc người mắc Covid-19 và trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh: “Tuy con số tuyệt đối trẻ em tại thành phố phải nhập viện vì mắc Covid-19 hiện nay chưa ở mức báo động như đỉnh điểm dịch bệnh năm 2021, nhưng số ca nhiễm và phải nhập viện tăng rất rõ ràng. Ngành Y tế đã và đang triển khai các điểm tiêm chủng khắp thành phố (trong ngày 13-8 là 114 điểm tiêm) và kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em mình đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ”.
Trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung đang tăng, từ ngày 13-8, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai một kế hoạch tổng thể để ứng phó.
Sở Y tế thành phố yêu cầu tất cả bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tăng cường sàng lọc, sớm phát hiện ca nhiễm để áp dụng các biện pháp phòng, chống; củng cố khoa, đơn vị điều trị Covid-19 tại cơ sở mình, sẵn sàng kích hoạt khi cần; rà soát cơ số thuốc, vật tư cho công tác điều trị dịch Covid-19.
Trên phạm vi toàn thành phố, ngành Y tế sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện dã chiến 3 tầng điều trị số 13. Sở Y tế giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chuẩn bị nhân lực, vật lực cho Bệnh viện dã chiến số 13.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tăng cường công tác giám sát, kiểm soát bệnh; đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19. Các Trung tâm Y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương về quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà, nơi cư trú; tăng cường truyền thông công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ công tác quản lý, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại nhà...