EU trước nỗi lo khủng hoảng khí đốt: Cần những giải pháp lâu dài
Thế giới - Ngày đăng : 07:11, 13/08/2022
Theo thông báo của Cộng hòa Séc, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, kế hoạch khẩn cấp của EU nhằm cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ đã được thông qua trong bối cảnh các nước đang cố gắng tiết kiệm nhiên liệu cho mùa đông tới do nguồn cung khan hiếm. Thỏa thuận này đã được các nước EU phê chuẩn, ngoại trừ Hungary và Ba Lan - hai quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn khí đốt từ Nga.
Trong số các thành viên EU, Đức - nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất ở châu Âu, sẽ phải tiết kiệm lượng khí đốt tiêu thụ nhiều hơn đáng kể so với các nước EU khác. Số liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, Berlin sẽ phải tiết kiệm khoảng 10 tỷ mét khối khí đốt. Để hạn chế sử dụng khí đốt, Chính phủ Đức đã triển khai chính sách phụ phí tiêu thụ từ tháng 10-2022 tới đàu tháng 4-2024. Với khoản phụ phí thu được, các công ty nhập khẩu khí đốt của Đức có thể bớt gánh nặng trong việc chuyển sang mua khí đốt từ các nguồn thay thế khác. Tại Pháp, dù lượng khí đốt dự trữ chiến lược đang ở mức 80% công suất và có thể đạt 100% trước ngày 1-11 tới, song các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp vẫn phải tiết giảm tiêu thụ để phòng nguy cơ không đủ cung cấp trong trường hợp thời tiết quá lạnh.
Nga đã giảm đáng kể dòng chảy khí tự nhiên sang châu Âu kể từ khi các quốc gia phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào quốc gia này sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine vào ngày 24-2. Dữ liệu từ Nord Stream - công ty vận hành đường ống Nord Stream 1 nối liền từ Nga sang Đức cho thấy, dòng chảy khí đốt từ Nga sang phương Tây đã giảm về mức 20% công suất đường ống, từ mức 40% trước đó. Theo EC, 12 quốc gia thành viên đã phải hứng chịu ảnh hưởng khi các dòng khí đốt giảm và một số quốc gia khác đã bị cắt hoàn toàn. Trong bối cảnh này, đã có những nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế và các nguồn năng lượng khác nhau. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này là một nhiệm vụ khó khăn.
Do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, giá khí đốt tại châu Âu hiện đắt hơn rất nhiều so với mức giá bình quân giai đoạn 2015-2019. Trên sàn giao dịch TTF của Hà Lan, khí đốt - còn được gọi là “vàng xanh”, đã tăng 15% lên gần 200 euro/MWh. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng người tiêu dùng và các ngành công nghiệp châu Âu sẽ phải vật lộn để thanh toán hóa đơn năng lượng của mình. Thông thường, trong một năm, EU có thể sử dụng 4,3 tỷ MWh khí đốt tự nhiên. Nếu giá tăng thêm 100 euro/MWh, chi phí sẽ tăng thêm khoảng 430 tỷ euro (437 tỷ USD), tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 của EU.
Với nguồn cung giảm và giá cao hơn, cuộc khủng hoảng khí đốt đang làm lung lay triển vọng kinh tế của châu Âu. Mặc dù chỉ số công bố mới đây cho thấy, GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng ở mức 0,7% trong quý II-2022, EC cũng cho rằng nền kinh tế của khối sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay.
Nhìn chung, hậu quả của thiếu hụt khí đốt là một viễn cảnh đáng lo ngại, nhất là khi nhiều ngành công nghiệp EU sử dụng nguồn năng lượng như một nguyên liệu thô quan trọng cho quá trình sản xuất. Vì thế, theo các chuyên gia, cần những giải pháp mang tính lâu dài đối với Cựu lục địa, trong đó có việc tiết kiệm khí đốt và tăng sử dụng các nguồn năng lượng khác.