Sớm giải quyết tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc nhiều
Đời sống - Ngày đăng : 17:59, 13/08/2022
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh có 676 cán bộ, công chức; 5.501 viên chức xin nghỉ việc theo nguyện vọng. Trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ, UBND thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, trong số này, có 2.436 người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tiếp theo là lĩnh vực y tế với 2.145 người.
Tình hình tương tự còn diễn ra tại nhiều địa phương ở khu vực Đông Nam Bộ. Cụ thể, tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, có 1.218 giáo viên và gần 1.000 viên chức ngành Y tế xin nghỉ việc. Tuy nhiên, cùng thời điểm, khối y tế tư nhân lại tăng 91 bác sĩ, 28 điều dưỡng, 7 nữ hộ sinh, 28 kỹ thuật viên và 10 nhân viên y tế khác.
Tại tỉnh Bình Dương, từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022, có 527 giáo viên và 162 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2021 có 79/99 người xin nghỉ việc (số còn lại nghỉ hưu), nhưng 6 tháng đầu năm 2022, con số này là 89/91 người, chiếm hơn 97%.
Chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ chưa cao; cơ hội thăng tiến ít; áp lực công việc nhiều là 3 nguyên nhân chính mà UBND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ nêu trên nhận định dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc.
Việc nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc mang đến nhiều hệ lụy. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Năm 2021, bệnh viện có 95 người nghỉ việc. 6 tháng đầu năm 2022, bệnh viện có 36 bác sĩ và điều dưỡng nghỉ việc. Người thiếu, việc nhiều, những người ở lại thời điểm này luôn bị quá tải do bệnh nhi tăng nhanh vì dịch Covid-19 và sốt xuất huyết”.
Chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh cần tuyển hơn 5.000 giáo viên các bộ môn. Tuy nhiên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, các địa phương đang rất khó tuyển giáo viên tiếng Anh và tin học, bởi những người này ít chọn việc giảng dạy để phát triển nghề nghiệp.
Cần sớm có hướng giải quyết
Ông Đỗ Nam T từng là tâm điểm bàn tán khi là trưởng phòng nghiệp vụ của một sở tại thành phố Hồ Chí Minh xin nghỉ việc dù mới 42 tuổi. Ông nói: “Công việc ngày một nhiều, nhưng người làm tốt hay không tốt cũng được đánh giá như nhau. Người đứng đầu đơn vị trách nhiệm cao, nhưng quyền lợi, thù lao không nổi trội. Sau khi nghỉ việc, tôi và nhóm bạn cùng kinh doanh một khách sạn tại Đà Lạt”.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Vũ Quang Trung cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng nghị quyết về chính sách thu hút và hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh giai đoạn 2023-2027. Theo đó, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ... sau khi về công tác sẽ được chi dự kiến 200-300 triệu đồng/người từ ngân sách tỉnh, nhận một lần.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đã đề nghị Sở Y tế có đánh giá tổng thể về nguồn nhân lực ngành, phân tích rõ nguyên nhân về các nhân viên, bác sĩ nghỉ việc để có giải pháp cụ thể. Còn Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã kiến nghị tăng lương, phụ cấp với mức lương ban đầu đảm bảo gấp 3 lần mức lương cơ sở vùng 1 (13,26 triệu đồng/tháng) với bác sĩ; 1,5-2 lần mức lương cơ sở vùng 1 (6,6-8,8 triệu đồng/tháng) cho điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ tiếp nhận việc ban đầu tại tuyến y tế cơ sở.
Trong khi đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất nhiều giải pháp. Về nâng cao thu nhập, thành phố đề xuất được tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm, tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức.
Về tạo cơ hội thăng tiến, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; khuyến khích cán bộ nghỉ hưu trước tuổi. UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất Bộ Nội vụ kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng biên chế cho thành phố để phù hợp với thực tiễn khối lượng công việc và đặc thù của khu vực.