Hà Nội chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:27, 13/08/2022
- Hiện nay tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố như thế nào, thưa ông?
- Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định. Tuy nhiên, đối với bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn phát sinh tiêu hủy tại 1 hộ (ổ dịch cũ, cuối năm 2021) của xã Đông Sơn (huyện Chương Mỹ) và phát sinh mới tại 2 hộ thuộc các huyện: Hoài Đức, Thường Tín. Tổng số lợn tiêu hủy là 17 con, trọng lượng 2.694kg. Đối với dịch cúm gia cầm, đã xảy ra tại 8 hộ thuộc 2 huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, tổng số gia cầm tiêu hủy là 16.179 con. Còn bệnh lở mồm long móng, đã phát sinh tại 1 hộ nuôi bò thuộc phường Long Biên (quận Long Biên), số bò mắc bệnh là 9 con. Hiện nay, các loại dịch bệnh này cơ bản được kiểm soát.
Đối với các loại bệnh thông thường xảy ra với tính chất nhỏ lẻ, tỷ lệ vật nuôi bị ốm/chết thấp, tỷ lệ chữa khỏi cao. Cụ thể, đàn trâu, bò chủ yếu mắc bệnh tụ huyết trùng, ngoại khoa, sản khoa, tiêu chảy, viêm phổi... tỷ lệ ốm chiếm 2,42% tổng đàn, tỷ lệ chết chiếm 0,88%. Đàn lợn chủ yếu mắc các bệnh phó thương hàn, tụ huyết trùng, tiêu chảy, ngoại khoa và bệnh khác do thời tiết, tỷ lệ ốm chiếm 2,31%, tỷ lệ chết chiếm 6,02% trên tổng đàn. Đàn gia cầm chủ yếu mắc các bệnh Newcastle, tụ huyết trùng, dịch tả vịt, Gumboro... tỷ lệ ốm chiếm 0,64%, tỷ lệ chết chiếm 8,86%.
- Như vậy, hiện nay dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nhưng thời gian tới gặp khó khăn gì, thưa ông?
- Từ nay đến cuối năm, người dân tập trung tái đàn để bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân Thủ đô tăng cao. Do đó, nguy cơ tái phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên địa bàn thành phố là rất cao do thời tiết đang giai đoạn chuyển mùa, đây là điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh phát sinh, phát triển. Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao trong khi nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế... Các ổ dịch cúm gia cầm hầu hết xảy ra trên đàn gia cầm thương phẩm, trong đó tổng đàn gia cầm thương phẩm trên địa bàn thành phố chiếm tỷ lệ cao (gần 60% tổng đàn). Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y vẫn tồn tại như: Một số động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm dịch; việc kiểm soát giết mổ do người dân vận chuyển nhỏ lẻ rất khó kiểm soát...
- Xin ông cho biết, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, hạn chế dịch bệnh phát sinh, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp gì?
- Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, thời gian tới, Chi cục tham mưu Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố. Trong đó, tập trung chỉ đạo, theo dõi sát diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm... Cùng với đó, Chi cục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; thực hiện tốt công tác kiểm dịch đối với gia súc, gia cầm vận chuyển từ các nơi khác về thành phố tiêu thụ; kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Trân trọng cảm ơn ông!