Định vị lại vị trí, vai trò của phê bình điện ảnh: Nòng cốt để thúc đẩy sự phát triển của phim Việt
Giải trí - Ngày đăng : 06:00, 14/08/2022
Giới phê bình phim đang ở đâu?
Cho đến nay, khái niệm điện ảnh là bộ môn nghệ thuật tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật đã không còn xa lạ với công chúng. Nhưng, để hiểu khái niệm này với tư cách là “đặc trưng của điện ảnh” từ đó hiểu sâu sắc về cái hay, cái dở của một bộ phim thì không phải ai cũng biết. Trong khi đó, dù làm phim theo cách truyền thống hay hiện đại với sự tham gia sâu của kỹ thuật tân tiến thì các nhà làm phim, kể cả phim nghệ thuật hay giải trí thương mại, cũng vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc làm phim tối thiểu mà đặc trưng của nó gắn liền với bộ môn nghệ thuật tổng hợp và “cuộc chơi” tốn tiền. Và dù từ nhiều năm nay vai trò phê bình phim đã được chuyển giao một cách “vô thức” cho báo chí với những bài viết thân thiện, khiến các nhà làm phim nức lòng (nếu được khen) với sự tham gia tích cực của công nghệ PR từ nhà sản xuất, vậy nhưng khi gặp “giông gió” từ dư luận, các nhà làm phim và cả nhà sản xuất lại rất mong chờ sự vào cuộc của giới phê bình điện ảnh. Họ hy vọng các nhà phê bình có thể cứu vãn bộ phim khỏi những trận “đánh hội đồng" cảm tính xuất phát từ những bài viết phân tích nội dung văn học của phim, hoặc làm rõ những chi tiết nào đó khiến người xem cảm thấy “ngứa mắt”... Và kể cả khi phim được khen đến "hết lời" trên báo chí, mạng xã hội thì cũng vẫn rất cần giới phê bình điện ảnh nhập cuộc để các nhà làm phim ngộ ra về những hạn chế trong tác phẩm
Quay trở lại với “Em và Trịnh” - bộ phim gây tranh cãi dữ dội, trong đó ý kiến chê chỉ muốn loại bộ phim này khỏi rạp vì những điều được gán là “vi phạm quyền riêng tư cá nhân”. Ca sĩ Khánh Ly khẳng định “không xem bộ phim này” và những chi tiết về bà trong phim là không chính xác. Ca sĩ Thanh Thúy thì nói rằng chi tiết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa bà về tận ngõ là “xuyên tạc”...
Rất khó để chỉ ra một bộ phim hoàn hảo đến mức không có lỗi. Nhưng để bảo vệ chi tiết nào đó mà nguyên mẫu phủ định, rằng đó là sự sáng tạo của các nhà làm phim thì cũng phải có lý và không gì khác là phải bám sát vào đặc trưng của ngôn ngữ điện ảnh. Sự tinh tế của nghệ thuật điện ảnh nằm trong việc giữ gìn sự trung thành với cuộc đời thực. Tuy nhiên, phía làm phim không nên vì thế mà sao chép mù quáng. Hiện thực được chọn lựa, phân tích, cấu trúc lại và mở rộng sẽ tạo ra khả năng truyền đạt cả những vấn đề trừu tượng, rộng lớn nhất. Với chi tiết ca sĩ Khánh Ly đút sữa chua cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nghĩa bóng của hành động này có thể nhằm bộc lộ một phần trong tính cách của ca sĩ, đó là sự hồn nhiên, bản năng, thân thiện như chính giọng hát của bà. Còn với chi tiết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa Thanh Thúy về tận ngõ trong phim, nghĩa bóng có thể muốn nói đến sự chu đáo, ân cần, nhiệt thành của người nhạc sĩ đối với ca sĩ mà ông yêu mến. Và, để khán giả tin vào điều này thì cần có sự “can thiệp” của các nhà phê bình điện ảnh với “vũ khí” lý luận và sự am hiểu ngôn ngữ điện ảnh. Đáng tiếc là không ai lên tiếng!
Hỏi nhà lý luận phê bình điện ảnh, TS Ngô Phương Lan về lý do các nhà phê bình điện ảnh “bỏ mặc” các bộ phim quay cuồng trong bão tố dư luận, chị cười buồn: “Một người lên tiếng thì quá đơn độc. Một bài viết phê bình điện ảnh cũng không xoay chuyển được tình thế. So với hàng trăm nhà báo viết về điện ảnh và hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu người tham gia mạng xã hội “soi phim” thì nhà phê bình điện ảnh hiện quá đơn độc. Chúng tôi cần một diễn đàn lớn để làm điều này, cần sự vào cuộc của nhiều người với tư cách là nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp”.
Nói về độ “mỏng” của đội ngũ phê bình điện ảnh, GS.TS Trần Thanh Hiệp cho biết, ở Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh vẫn đào tạo chuyên ngành lý luận phê bình sân khấu và điện ảnh nhưng tuyển sinh rất khó khăn. Số người thi ít hơn chỉ tiêu được tuyển. Các thí sinh không muốn chọn một nghề mà khi ra trường khó tìm việc. Hơn nữa, chính họ cũng nhìn thấu phần nào thực trạng của lý luận phê bình điện ảnh ở Việt Nam. Đó là nghề không dễ kiếm tiền; nghề được coi trọng trên lý thuyết nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. “Khi chúng ta quan niệm điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa, sản phẩm điện ảnh dẫu có tính đặc thù nhưng về bản chất vẫn là hàng hóa thì việc nhà sản xuất thông qua thông cáo báo chí để tự quảng cáo hay nhiều phóng viên viết theo cộng đồng mạng là điều dễ hiểu” - GS.TS Trần Thanh Hiệp chia sẻ.
Cần tiếng nói của lý luận, phê bình
Là đạo diễn bộ phim tạo nên cơn sốt phòng vé - “Ma Dai” và bộ phim làm “điên đảo xứ ngàn hoa” với bối cảnh Đà Lạt sương mù - “Quý cô thừa kế”, đạo diễn trẻ Hoàng Duy đánh giá cao vai trò của các nhà lý luận phê bình điện ảnh. Theo anh, đó là những người am hiểu về điện ảnh và có cái nhìn đúng đắn về một bộ phim. “Hiện nay, một bộ phim khi đến với công chúng thường được đánh giá bằng doanh thu. Thực tế thì không phải doanh thu cao đã là phim hay, mà có những phim doanh thu thấp lại là phim có chất lượng nghệ thuật, thể hiện rõ “bước tiến” của điện ảnh nước nhà. Đối với các phim mà tôi đạo diễn, tôi PR định hướng truyền thông theo hướng mình muốn tiếp cận với khán giả, nhưng khi chiếu thì khán giả sẽ soi xét, đánh giá. Hiện nay, mạng xã hội phát triển quá mạnh nên việc một bộ phim bị cộng đồng mạng soi xét, bàn tán là chuyện không tránh khỏi. Điều đáng sợ là có không ít người chưa xem phim nhưng bình luận, đánh giá phim theo số đông. Ở một vài trường hợp, họ đã vô tình giết chết một tác phẩm tốt mà mình chưa từng xem...” - Hoàng Duy tâm sự.
Cũng theo đạo diễn Hoàng Duy, vì lý luận phê bình điện ảnh có vai trò quan trọng trong định hướng dư luận và phát triển điện ảnh nên anh mong muốn các nhà lý luận điện ảnh có nhiều hoạt động hơn để thúc đẩy sự phát triển của phim Việt.
Đồng quan điểm với đạo diễn Hoàng Duy, GS.TS Trần Thanh Hiệp khẳng định: “Trong bối cảnh cầu nối giữa sản phẩm điện ảnh và người xem là quảng cáo thì việc quan trọng là phải định vị lại vai trò, vị trí của lý luận phê bình. Mặt khác, không nên để người làm lý luận phê bình đơn độc lên tiếng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Viện Phim Việt Nam, Viện Sân khấu Điện ảnh (thuộc Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh) là những nơi phải tham gia vào lĩnh vực này với vai trò nòng cốt, có tiếng nói, có bài viết bất vụ lợi với mục đích duy nhất là vì sự phát triển của điện ảnh”.
Nhìn ra thế giới, các nước có nền điện ảnh tiên tiến cũng đang gặp những thách thức từ cơ chế cạnh tranh và lợi nhuận. Tuy nhiên, họ có những tạp chí nghệ thuật uy tín, có những bài viết phê bình chất lượng, có thống kê khoa học góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng phát triển. Vì thế, không thể đơn giản đổ lỗi cho cơ chế thị trường. Người bán hàng có quyền chào hàng. Lý luận phê bình ở ta chưa có tiếng nói là do ta chưa có cách tổ chức lực lượng hiệu quả.
Bên cạnh đó, để có được những tác phẩm điện ảnh thực sự có chất lượng nghệ thuật, các nhà làm phim cũng cần phải "định vị" được mình và điều quan trọng là đừng dại mà thoát ly khỏi giới phê bình điện ảnh chuyên nghiệp.