Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:41, 15/08/2022

(HNM) - Cùng với các trường đại học, cao đẳng, thời điểm này cũng là cao điểm tuyển sinh của các trường đào tạo nghề. Với những đổi mới đột phá, hiện nhiều trường chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao và coi đây là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Thời gian qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông được xã hội ngày càng quan tâm. Các cơ sở đào tạo đã đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp. Nhờ vậy, việc tuyển sinh, hỗ trợ khởi nghiệp trong hệ thống trường đào tạo nghề đạt nhiều kết quả tích cực, thu hút số lượng lớn học sinh tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp.

Đặc biệt, căn cứ vào nhu cầu của thị trường, nhiều trường đã tập trung đào tạo một số nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Ngoài ra, cùng với hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước đổi mới công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Nhờ vậy, đa số người qua đào tạo nắm được những kỹ năng cần thiết trong nghề.

Thực tế hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cung cấp tới khoảng 70% lực lượng lao động trên thị trường. Vì vậy, để hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của Đảng, Nhà nước thì việc ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao có tính chất liên vùng là yêu cầu cấp bách. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ hình thành 3 trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, đồng thời có 70 trường cao đẳng chất lượng cao; đến năm 2030, hình thành thêm 3-5 trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, có 90 trường chất lượng cao…

Cùng với mục tiêu hoàn thiện hệ thống trường đào tạo nghề, cơ quan chức năng cũng như các nhà trường cần tiếp tục có chính sách thu hút giáo viên giỏi vào các trường nghề trọng điểm; khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Bên cạnh đó, cần cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về công tác tuyển sinh, cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp; điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Căn cứ vào những dữ liệu này, các ngành chức năng xây dựng, giao chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể cho từng ngành, nghề, cơ sở đào tạo; tránh tình trạng đào tạo không phù hợp với nhu cầu sử dụng, gây lãng phí. Trong quá trình đào tạo, sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là cần thiết, song phải quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với việc dạy nghề, tạo điều kiện cho hai bên liên kết lâu dài, bền vững.

Ở góc độ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thương hiệu, uy tín được đánh giá thông qua tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm, thu nhập ổn định. Giải pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng giảng dạy, thu hút người học là các trường nghề phát huy sức mạnh nội lực, tổ chức đào tạo theo sát nhu cầu của thị trường.

Sự tự chủ, sáng tạo của nhà trường, sự quyết tâm của học sinh, sinh viên và sự đồng hành, phối hợp của doanh nghiệp là tiền đề vững chắc hình thành lực lượng lao động chất lượng cung cấp cho thị trường lao động có yêu cầu ngày càng cao hiện nay.

Bắc Vũ