Bảo đảm nguồn cung cho thị trường
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:32, 08/09/2022
Ghi nhận tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, trong tháng 8, các địa phương chủ yếu tập trung chăm sóc và thu hoạch lúa mùa, hoa màu vụ hè thu. Cả nước gieo cấy được 6,7 triệu héc ta lúa (giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước), đã thu hoạch khoảng 4,4 triệu héc ta, năng suất bình quân đạt 63,3 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt gần 28 triệu tấn... Các địa phương đang tiến hành gieo trồng hoa màu, diện tích gieo trồng giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là đậu tương và khoai lang do giá bán không ổn định, gặp khó khăn trong tiêu thụ, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn quả và rau đậu.
8 tháng năm 2022, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Nhìn chung, đàn bò, đàn lợn và gia cầm tiếp tục tăng, bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho biết, chăn nuôi thuận lợi do giá thịt lợn hơi ổn định trong khoảng 62.000-71.000 đồng/kg. Hiện tại, người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, tăng cường nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm và các kỳ lễ, Tết sắp tới.
Ở góc độ địa phương, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phát triển ổn định, diện tích rau đạt 23.878ha, tăng 2,25%; cây ăn quả hơn 19.800ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Tổng đàn lợn của thành phố ổn định với gần 1,5 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm 39,7 triệu con; đàn trâu, bò 163.133 con. Hà Nội đang hướng tới các mô hình chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao...
Đánh giá về tình hình sản xuất nông nghiệp 8 tháng năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Ngành Nông nghiệp và các địa phương đã quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt “mục tiêu kép” là duy trì tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương tạo cơ chế khuyến khích sản xuất hữu cơ, sử dụng tài nguyên thiên nhiên để giảm chi phí “đầu vào” cho sản xuất nông nghiệp.
Triển khai linh hoạt kế hoạch sản xuất
Từ nay đến cuối năm chi phí vật tư “đầu vào” còn ở mức cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn như: Gạo, thịt lợn, rau củ, trái cây... Mặt khác, thời tiết diễn biến bất thường, từ tháng 9 sẽ bước vào mùa mưa bão, trong khi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất.
Ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường các tháng cuối năm, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết, với hơn 200ha sản xuất rau an toàn, hợp tác xã đang chỉ đạo các thành viên thu hoạch gối vụ và trồng các loại rau theo nhu cầu của thị trường. Trung bình mỗi tháng hợp tác xã có thể cung cấp khoảng 3.000 tấn rau cho thị trường Thủ đô và các tỉnh lân cận. Còn Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh thông tin: Công ty duy trì liên kết với các trang trại chăn nuôi trên địa bàn cả nước, mỗi tháng cung cấp ra thị trường 100-120 tấn thịt lợn.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2,5-3% trong năm nay, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, những tháng cuối năm 2022, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh việc tái đàn, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm; đồng thời chỉ đạo các địa phương trồng rải vụ các lứa rau; chủ động triển khai kế hoạch vụ đông trên cơ sở có điều chỉnh phù hợp về cơ cấu cây trồng, diện tích gieo trồng...
Nhấn mạnh 4 tháng cuối năm 2022 là thời điểm quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tăng tốc sản xuất, ổn định nguồn cung cho thị trường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu, các địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung sản xuất theo hướng an toàn, quy mô lớn. Mặt khác, các tỉnh, thành phố cần thay đổi cách tiếp cận, lấy đầu tư công thu hút đầu tư để có thể xoay chuyển nền nông nghiệp theo hướng tích cực. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ thúc đẩy các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí “đầu vào”, tích hợp nền nông nghiệp đa giá trị, giúp nông dân làm quen với nền kinh tế tuần hoàn…