Gỡ vướng để phát triển nhà ở

Bất động sản - Ngày đăng : 07:31, 15/08/2022

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 50 triệu mét vuông sàn nhà ở, trong đó nhà ở riêng lẻ đạt 31,9 triệu mét vuông. Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố đang tháo gỡ những vướng mắc, rào cản, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người dân thuận tiện hơn khi xây nhà nhưng vẫn bảo đảm trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị.

Thành phố Hồ Chí Minh tích cực tháo gỡ vướng mắc để khuyến khích xây dựng, tăng diện tích nhà ở phù hợp quy hoạch và trật tự đô thị.

Nhận diện một số rào cản

Cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng để quản lý kiến trúc đô thị phù hợp với điều kiện thực tế, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 56/2021/QĐ-UBND (ngày 28-12-2021) về quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. Theo quyết định, khi xây dựng nhà trên mảnh đất diện tích hơn 50m2, có chiều sâu hơn 16m, công trình phải có khoảng lưu không phía sau tối thiểu 2m; chiều sâu 9-16m, xây lùi tối thiểu 1m...

Quy định trên nhằm tạo lối thoát hiểm và thoáng khí phía sau cho nhà ống. Tuy nhiên, khi triển khai đã phát sinh một số vấn đề. Trường hợp của chị Phương Kiều Dung ở phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) là một điển hình. Gia đình chị muốn xây dựng nhà trên mảnh đất hơn 50m2, ngoài việc phải lùi sau 1m, cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu gia đình chị phải lùi cả phía trước để tạo không gian hoạt động cho xe cứu hỏa. “Diện tích đất nhỏ, giờ phải chừa đất trước, sau, tôi nản, tính không xây nhà nữa”, chị Dung chia sẻ.

Trong khi đó, gia đình ông Phan Thanh Vũ, ở đường Thành Mỹ (phường 8, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) đã xây xong nhà. Năm 2018, ông nộp hồ sơ hoàn công và xin cấp sổ cho căn nhà xây dựng trên đất rộng 55m2 nhưng bị từ chối vì chỉ xây dựng hơn 49m2, trong khi giấy phép xây dựng là 50m2. “Tôi có lùi tường phía trước vào một chút khi xây nhà và vì đó 3 năm qua, nhà tôi chưa được cấp sổ hồng”, ông Vũ bức xúc... Theo thống kê của Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố đang có khoảng 5.000 trường hợp như gia đình ông Phan Thanh Vũ.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết: “Do có những cách hiểu khác nhau, nhiều nơi cho rằng việc người dân điều chỉnh cầu thang, giếng trời so với thiết kế được duyệt khi xây nhà là sai phép nên không cấp thủ tục hoàn công và sổ hồng”.

Nỗ lực tháo gỡ vướng mắc

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (ngày 27-11-2017) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, các trường hợp xây nhà trong vùng quy hoạch 1/500 nhưng xây quá tầng hay có diện tích thực tế nhỏ hơn thiết kế được phê duyệt phải bị xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, do hướng dẫn chưa cụ thể nên các văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện gặp vướng mắc khi xử lý, thậm chí xử lý khác nhau (có nơi vẫn xét cấp sổ hồng cho dân, có nơi không…).

Để giải quyết tình trạng trên, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết, Sở sẽ tiếp nhận thông tin kiến nghị, từ đó rà soát, đánh giá, lập đề xuất điều chỉnh cho phù hợp, trình UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt. Còn Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân thông tin, Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố hướng giải quyết. Cụ thể, với nhà ở riêng lẻ thuộc dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 hoặc có thiết kế đô thị, phải tuân thủ theo giấy phép xây dựng. Đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu dân cư hiện hữu, chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy chế quản lý kiến trúc chi tiết, việc xây dựng nhỏ hơn giấy phép nhưng bảo đảm an toàn công trình thì vẫn được xét cấp sổ hồng.

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận 3 (thành phố Hồ Chí Minh) Trần Thanh Bình thông tin, quận 3 đang thực hiện thiết kế đô thị toàn tuyến đường Nguyễn Thị Diệu. Khi đồ án được duyệt, người dân sẽ dựa vào mẫu để xây dựng công trình mà không cần phải làm thủ tục xin phép xây dựng. Sau thí điểm, quận sẽ triển khai tại các tuyến phố khác.

Bên cạnh việc tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tích cực hỗ trợ kinh phí cho người dân xây dựng, sửa chữa nhà ở. Phó Giám đốc phụ trách Quỹ phát triển nhà ở thành phố Hồ Chí Minh Ngô Tấn Phát cho biết, Quỹ đã giải ngân cho 5.594 đối tượng có thu nhập thấp vay tiền để tạo lập, sửa chữa nhà ở, với số tiền 2.842 tỷ đồng và vẫn đang tiếp tục triển khai công việc này.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, thành phố đang tích cực tháo gỡ những vướng mắc, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để cùng thành phố đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân tối thiểu đến năm 2025 là 10m2/người, đến năm 2030 là 12m2/người...

An Tôn