Sớm sửa đổi quy định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chính trị - Ngày đăng : 18:14, 15/08/2022
Sửa đổi khái niệm “người tiêu dùng” chỉ là “cá nhân”
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 chương, 80 điều. Dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, bổ sung một chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng làm rõ người tiêu dùng chỉ là cá nhân mua, bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích thương mại. Đồng thời bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng có yếu tố riêng, gặp nhiều bất lợi hơn người tiêu dùng thông thường.
Nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.
Dự thảo luật bổ sung một chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.
Thực hiện chủ trương tăng cường xã hội hóa trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo luật đã bổ sung quy định nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội khi thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do nhà nước giao.
Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về quyền của người tiêu dùng yêu cầu hỗ trợ thương lượng; hoàn thiện quy định về phương thức hòa giải, trọng tài, về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự.
Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy lưu ý về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; về yêu cầu bảo đảm quyền con người trong thi hành Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; số vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh nhưng công tác giải quyết tranh chấp chưa thật sự hiệu quả.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát trong quá trình xây dựng luật, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của một số quy định, tránh việc quy định chung, khó định lượng”, ông Lê Quang Huy nói.
Hạn chế lớn nhất là tính khả thi
Thảo luận về dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần có một chương, mục riêng về hợp tác quốc tế trong bảo vệ người tiêu dùng.
Đồng tình với vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sẽ bao gồm cả dịch vụ xuyên biên giới nên chúng ta phải có trách nhiệm đến cùng trong bảo vệ người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị tách hình thức bán hàng đa cấp ra khỏi bán hàng trực tiếp vì bản chất bán hàng đa cấp không phải là hình thức bán hàng trực tiếp. Hơn nữa, cần điều chỉnh riêng hình thức bán hàng đa cấp vì đây là hình thức ngày càng phát triển, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị có biện pháp bảo vệ thông tin của người tiêu dùng cung cấp cho bên bán hàng hóa, tránh việc lạm dụng thông tin khách hàng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đặt ra vấn đề, dự thảo luật đưa ra khái niệm người tiêu dùng chỉ là “cá nhân” mua, bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích thương mại, vậy người tiêu dùng là “tổ chức” mua, bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng thì sẽ có cơ chế gì để bảo vệ họ.
Đề nghị dự thảo luật cần bổ sung về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, người dân, tổ chức đang mong đợi Quốc hội sớm sửa đổi quy định pháp luật để quyền lợi người tiêu dùng được quan tâm đúng mức.
Phát biểu ý kiến thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng chủ thể tham gia quá trình sản xuất, tiêu dùng vừa có thể là cá nhân, vừa có thể là pháp nhân, trong đó pháp nhân bao gồm tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhưng dự thảo luật hiện chỉ đề cập cá nhân trong khi hồ sơ thuyết minh, giải trình chưa đủ rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng dự thảo luật chưa có phạm vi điều chỉnh bao gồm dịch vụ công trong vấn đề này rất lớn, liên quan thiết yếu người dân và người tiêu dùng. “Hạn chế lớn nhất của luật hiện hành chính là tính khả thi bởi các quy định mang nặng tính chính sách, tính định hướng”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Giải trình thêm một số vấn đề, về vị trí vai trò của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hệ thống pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cần xây dựng luật trở thành đạo luật trung tâm, đồng thời kết nối đối với các văn bản pháp luật khác để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.
Việc sửa đổi khái niệm người tiêu dùng, Bộ trưởng cho rằng nhằm tạo căn cứ xác định chính xác người tiêu dùng trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với việc dự án luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ tư. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án luật theo hướng thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi, dễ áp dụng trong quá trình thực hiện.