Theo chân đồng vốn tín dụng Agribank
Sản phẩm dịch vụ - Ngày đăng : 14:13, 16/08/2022
nông dân khắp mọi miền Tổ quốc trên những chặng đường mới của nền nông nghiệp nói riêng và kinh tế đất nước nói chung, tiếp tục tạo nên những bứt phá mới trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn thời kỳ mới.
Lên rừng, xuống biển
Vườn tiêu xanh tốt, những choái tiêu bám nọc thân cây bông gòn, lồng mức xòe tán xanh mát làm dịu đi cái nắng đổ lửa giữa tháng 7 miền Trung. Những chia sẻ hồ hởi và niềm vui ánh trên gương mặt ông Hồ Viết Ký, thôn 3, xã Tiên Sơn, Tiên Phước (Quảng Nam) như thêm một luồng gió mát. “Làm ra chỉ 150.000 - 200.000 đồng mà bán thô cũng được 400.000 - 500.000 đồng mỗi ký tiêu, vậy là nhà nông chúng tôi mừng lắm rồi, không mong gì hơn đâu!”, ông Ký phấn khởi cho biết.
Năm héc ta trồng tiêu được ông Hồ Viết Ký đầu tư hơn 3 tỷ đồng, trong đó có đến 2 tỷ đồng là vốn vay của Agribank từ năm 2018 nay đã cho thu hoạch. Tiêu sẻ Tiên Phước là giống tiêu bản địa, có mặt tại xứ Quảng từ thế kỷ XVII, từ lâu đã được khẳng định chất lượng với mùi thơm nồng, vị cay đậm đặc trưng khó có loại tiêu nào sánh kịp. Chính vì vậy, giá tiêu Tiên Phước luôn cao hơn giá tiêu thường trên thị trường 5-7 lần.
Đó cũng là lý do để những người trồng tiêu ở Tiên Phước như ông Ký duy trì trồng tiêu hữu cơ theo phương pháp truyền thống, không bón phân hóa học, không chăm sóc nhiều để sản phẩm tiêu giữ được hương vị đặc trưng của đất rừng Tiên Phước, mặc dù trồng tiêu hữu cơ lâu cho thu hoạch và năng suất cũng thấp hơn so với áp dụng các phương pháp thâm canh khác.
Không chỉ đồng hành cùng nhà nông, sự chia sẻ của ngân hàng đã giúp không ít hộ nông dân, doanh nghiệp vực dậy sản xuất, chăn nuôi với chính sách hỗ trợ lãi suất kịp thời sau 2 năm lao đao vì dịch bệnh Covid-19.
Nhờ chính sách giảm 10% lãi suất hiện hành của Agribank, với dư nợ 3-5 tỷ đồng tùy thời điểm, ông Cao Văn Đà ở xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đã có thể duy trì chuồng trại và tái đàn cho trang trại chăn nuôi gà 15.000m2 với năng suất 60.000 con/lứa.
Cũng giống như trại gà của ông Đà, hay vườn tiêu của ông Ký ở Quảng Nam, những bè nuôi trồng thủy sản ngoài khơi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang trở lại nhịp sóng hồi phục sau dịch bệnh nhờ chính sách hỗ trợ vốn vay của ngân hàng. Ông Huỳnh Văn Thảo chủ bè cho biết, cá mú, cá bớp, tôm hùm đều đã được thả nuôi lại trong 60 lồng nuôi của gia đình ông sau một thời gian “treo lồng”.
“Lứa trước bù lứa sau, gối đầu liên tục, một bè gối 4-5 lứa cua, cá, tôm, toàn loại đặc sản nên vốn đầu tư nhiều lắm. Đa phần đều phải vay ngân hàng, nhất là thời điểm cần thúc cá để chuẩn bị xuất bán, phải đầu tư cho ăn mồi nhiều để đạt trọng lượng yêu cầu. Trong khi đó, giá thức ăn mấy bữa nay tăng cao, từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, nay tăng lên 15.000 đồng/kg. Nếu không có chính sách hạ lãi suất của ngân hàng thì còn khó khăn nữa”, ông Thảo cho biết.
Bù lại, chưa bao giờ cá bớp được giá như năm nay. Bình thường 140.000 đồng/kg, người nuôi đã có lãi, nay tăng lên 180.000 đồng/kg, có lúc còn lên tới 220.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay nên ông Thảo cũng như các hộ nuôi lồng bè ở Lý Sơn đang tăng tranh thủ nguồn vốn vay ngân hàng để nâng công suất thả nuôi.
Hơn 50 bè cá, mỗi bè bình quân 30-60 lồng nuôi, toàn bộ khu vực nuôi trồng thủy sản ở đảo Lý Sơn đều sử dụng nguồn vốn vay của Agribank Lý Sơn - Ngân hàng thương mại đầu tiên đóng chân trên địa bàn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Đồng hành cùng tam nông
Bà Lê Thị Của, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh huyện đảo Lý Sơn cho biết, mặc dù còn rất nhiều khó khăn trong hoạt động do đặc thù của một chi nhánh huyện đảo, tuy nhiên, từ năm 2014, khi điện lưới quốc gia được kéo ra đảo, Agribank Lý Sơn cũng như được tiếp thêm sức mạnh trong hoạt động tín dụng và phát triển các sản phẩm dịch vụ. Từ 8 tỷ đồng nguồn vốn, 15 tỷ đồng dư nợ năm 2014, đến nay, nguồn vốn của Agribank Lý Sơn lên tới hơn 470 tỷ đồng, dư nợ 533 tỷ đồng.
“Xác định sự hiện diện của Agribank tại đảo tiền tiêu của Tổ quốc vừa thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, vừa mang ý nghĩa chính trị nên chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng để không chỉ góp phần làm giàu cho người dân trên đảo, mà còn khẳng định mục tiêu của Agribank để mọi người dân, từ vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo khó khăn đều được tiếp cận với nguồn vốn của Nhà nước, với dịch vụ ngân hàng”, bà Lê Thị Của cho biết.
Mặc dù vậy, thực hiện vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn, Agribank chi nhánh Quảng Ngãi vẫn triển khai mạng lưới rộng khắp địa bàn, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo khó khăn.
Với tổng nguồn vốn trên 16.000 tỷ đồng, dư nợ 12.800 tỷ đồng, trong đó có tới trên 70% dư nợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, Agribank chi nhánh Quảng Ngãi đã thực hiện vai trò ngân hàng chủ lực của tam nông.
Tính đến hết quý II-2022, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đạt hơn 1,62 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1,39 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 896 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng dư nợ.
Với nền tảng tài chính vững chắc và vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, theo chân cán bộ tín dụng Agribank lên rừng, xuống biển, nguồn vốn ngân hàng luôn đồng hành cùng với người nông dân khắp mọi miền Tổ quốc trên những chặng đường mới của nền nông nghiệp nói riêng và kinh tế đất nước nói chung, tiếp tục tạo nên những bứt phá mới trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn thời kỳ mới.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là đơn vị đồng hành với chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng hòa bình” được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).
Chương trình do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức với sự đồng hành của Agribank, Công ty cổ phần Sáng tạo nghệ thuật và sự kiện Sun Bright.