Liên kết cùng phát triển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:00, 16/08/2022
Câu chuyện “chim sẻ” hợp lại có sức mạnh sánh ngang “đại bàng” đã được đề cập tại nhiều diễn đàn. Khi cánh cửa thị trường hội nhập rộng mở, cạnh tranh trên thương trường sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Nếu không chú trọng liên kết, nâng cao năng lực tự thân, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay trên “sân nhà” và không thể nói đến chuyện xây dựng thương hiệu mang tầm quốc tế.
Thế nhưng, văn hóa hợp tác và nhận thức về sự liên kết vẫn là cả vấn đề, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điểm yếu của gần 700.000 doanh nghiệp cũng như các hiệp hội ngành nghề ở Việt Nam là năng lực liên kết và hoàn thiện chuỗi cung ứng. Phần lớn doanh nghiệp chỉ quan tâm đến sản phẩm của mình, “mạnh ai nấy làm”, tiến vào thị trường với tư duy “làm tất, ăn cả”. Có doanh nhân đã thẳng thắn nêu lên thực tế đáng buồn: Các doanh nghiệp cùng ngành nghề ít chịu học hỏi lẫn nhau, liên kết phát triển mà tìm cách "diệt trừ" trong quá trình cùng lớn lên… Điều này rất đáng phải suy nghĩ!
Thiếu những cái “bắt tay” giữa doanh nghiệp trong cùng một ngành hàng và với các ngành hàng khác nên doanh nghiệp ngành gỗ đã “chôn” tới 70% nguồn vốn cho việc dự trữ nguyên liệu sản xuất; doanh nghiệp dệt may chưa thể sở hữu những thương hiệu mang tầm thế giới… Theo một con số thống kê, thời điểm hiện tại chỉ có 14% doanh nghiệp nhỏ và vừa thành công trong việc hợp tác, liên kết với đối tác nước ngoài. Trong khi đó, cạnh tranh không lành mạnh tiếp tục gây thiệt hại cho không ít doanh nghiệp.
Vậy tập hợp “chim sẻ” thế nào để có sức mạnh “đại bàng”? Trước hết, cơ quan chức năng của Nhà nước và địa phương cần chú trọng tổ chức các hoạt động liên kết như diễn đàn, hội thảo, trưng bày, giới thiệu sản phẩm… để vận động, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thế mạnh riêng có, cùng tạo nên những sản phẩm chất lượng cao, xây dựng thương hiệu mạnh cho mỗi ngành hàng. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
Mặt khác là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các ngành hàng (lúa gạo, dệt may, công nghiệp phụ trợ…) để doanh nghiệp có thể chủ động tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết theo ngành hàng một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, tránh tình trạng liên kết theo “phong trào” hay những cái bắt tay theo kiểu “mì ăn liền” vì lợi ích trước mắt.
Các cơ quan truyền thông cần chủ động đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng văn hóa hợp tác, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân... Văn hóa là nền tảng để hình thành cộng đồng doanh nghiệp có tinh thần dân tộc, đổi mới sáng tạo, có trách nhiệm xã hội và dẫn hướng cho các quan hệ hợp tác, liên kết để nâng cao năng lực, tham gia có hiệu quả vào các mạng lưới sản xuất cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.
Khi ý thức được liên kết là nền tảng tạo cơ hội phát triển, các doanh nghiệp sẽ chủ động kết hợp những thế mạnh riêng để tạo nên chuỗi giá trị mới với sản phẩm có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.