Nền kinh tế Anh trước nguy cơ suy thoái

Thế giới - Ngày đăng : 06:36, 16/08/2022

(HNM) - Trong bối cảnh nội bộ đảng cầm quyền đang phải trải qua tình trạng chia rẽ sâu sắc, nền kinh tế Anh lại đón nhận những tín hiệu không mấy sáng sủa. Theo số liệu do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) mới công bố, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm giảm 0,1% trong quý II-2022. Dự báo kinh tế nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái từ cuối năm nay bởi khủng hoảng năng lượng và lạm phát chưa có điểm dừng.

Các thỏa thuận Brexit khiến xuất khẩu của Anh sang thị trường EU gặp nhiều khó khăn.

Theo thông tin từ ONS, dịch Covid-19 bùng phát trở lại cùng những vấn đề liên quan tới sức khỏe cộng đồng là nguyên nhân chính khiến kinh tế Anh suy giảm. Nhiều hãng bán lẻ cũng trải qua một quý nhiều khó khăn. Dự báo cho thấy, lẽ ra kinh tế Anh sẽ suy giảm 0,3%, tuy nhiên, nhờ chỉ số tiêu dùng tăng nhân dịp Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng Anh Elizabeth II lên ngôi, các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, làm đẹp và các sự kiện ngoài trời được hưởng lợi, giúp giảm bớt tốc độ đi xuống của nền kinh tế.

Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao chưa từng thấy, đẩy tỷ lệ lạm phát lên 9,4% - mức cao nhất trong 40 năm qua và khiến nhiều hộ gia đình lâm vào kinh tế khó khăn, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo, nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài. Mới đây, Chính phủ Anh đã cam kết hỗ trợ 400 bảng (tương đương 502 USD) cho mỗi gia đình nhằm giúp đỡ hàng triệu người trong việc mua khí đốt và điện sinh hoạt. Thế nhưng, những nỗ lực này vẫn không đáng kể. Theo BoE, thu nhập của người dân có thể giảm mạnh lần thứ hai kể từ năm 1964, do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao. Dự báo, hóa đơn năng lượng trung bình hằng năm của mỗi hộ gia đình có thể tăng khoảng 50%, lên tới 3.000 bảng (tương đương 3.600 USD) vào mùa đông năm nay khi mức giá trần năng lượng các nhà cung cấp được phép áp dụng cho khách hàng sẽ được điều chỉnh vào mùa thu.

Không chỉ BoE, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris (Pháp) cũng cảnh báo, nền kinh tế Anh đang trì trệ, với dự báo tăng trưởng GDP bằng 0% trong năm 2023. Đây sẽ là mức thấp nhất trong Nhóm các quốc gia có nền công nghiệp phát triển (G7) vào năm tới. Tăng trưởng yếu là tin xấu đối với nợ chính phủ, hiện chiếm tới hơn 90% GDP, do thực hiện các biện pháp nhằm giúp doanh nghiệp, hộ gia đình đối phó với đại dịch và cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, xứ sở Sương mù hiện tại phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất. Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, chưa mang lại thúc đẩy thương mại như những cam kết mà nhiều nhà lãnh đạo đã hứa hẹn. Ngược lại, đối với nhiều doanh nghiệp trong nước, thỏa thuận thương mại miễn thuế mà London ký với các nhà lãnh đạo EU cách đây chưa đầy hai năm đã gây nên sự gia tăng đáng kể về thủ tục giấy tờ hải quan, khiến họ khó bán hàng sang thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình và làm tăng chi phí nhập khẩu. Trong khi đó, các thỏa thuận đã ký với các quốc gia khác hầu như không mang lại thay đổi đáng kể. Chưa dừng lại ở đó, việc Thủ tướng Boris Johnson có ý định xóa bỏ một phần của thỏa thuận Brexit đã ký với EU có thể thúc đẩy một cuộc tranh cãi giữa hai bên và gây tổn hại lớn cho Anh.

Điều đáng nói, khả năng ứng phó với khủng hoảng của Chính phủ Anh hiện gặp nhiều cản trở do Thủ tướng Boris Johnson đã bị buộc phải từ chức vì vướng vào bê bối. Chính trường quốc đảo này đang cuốn vào cuộc đua tranh vị trí đứng đầu nội các kế nhiệm, mà đến ngày 5-9 mới chính thức có kết quả. Bởi vậy, chính phủ đương nhiệm khó có thể triển khai các biện pháp can thiệp tài chính lớn dù Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi cho biết, ông sẽ làm việc với BoE để tìm kiếm giải pháp kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quỳnh Dương