Công viên bỏ hoang và nghịch lý thiếu - thừa

Đời sống - Ngày đăng : 05:26, 16/08/2022

(HNNN) - Hà Nội có hơn 60 công viên, vườn hoa lớn nhỏ, phục vụ hơn 8,5 triệu dân. Nghĩa là trung bình cứ 13 vạn người dùng chung một không gian công cộng. Tuy nhiên, có một nghịch lý, trước “cơn khát” không gian xanh của người dân Thủ đô, hiện vẫn còn rất nhiều không gian công cộng, công viên bị bỏ không và rơi vào cảnh hoang tàn, gây nên sự lãng phí rất lớn.

Công viên Thiên văn học bị bỏ hoang sau 2 năm hoàn thành.

Thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa

Không gian xanh góp một phần quan trọng trong việc điều hòa không khí, cải tạo vi khí hậu, bảo vệ môi trường sống. Chính vì thế, càng là đô thị lớn với mật độ dân số đông cùng tình trạng ô nhiễm không khí, khói bụi, những “mảng xanh” càng cần được coi trọng và được xem là “chìa khóa vàng” để cải thiện môi trường sống cho đô thị. Tuy nhiên, hiện tại, theo khảo sát thực tế, Hà Nội hiện đang thiếu không gian xanh. Theo thống kê, tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người hiện chỉ đạt hơn 4m2/người và tại các quận trung tâm, tỷ lệ này còn thấp hơn, ở mức 0,9m2/người, trong khi tiêu chuẩn đặt ra là 7m2/người.

Thiếu không gian xanh nhưng Hà Nội hiện là thành phố có nhiều công viên bị bỏ hoang hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Tiêu biểu nhất phải kể đến Công viên Thiên văn học tại phường Dương Nội, quận Hà Đông. Được đầu tư với số vốn ban đầu lên đến hàng trăm tỷ đồng, đây được coi là công viên ngoài trời đầu tiên ở Đông Nam Á lấy chủ đề thiên văn học, có không gian xanh và kiến trúc đẹp mắt bao quanh hồ Bách Hợp Thủy. Tuy nhiên, dù hoàn thành vào năm 2020 nhưng cho đến nay, công viên vẫn chưa được đưa vào hoạt động và dần trở nên hoang phế, cỏ dại mọc khắp nơi, khắp các lối vào đều được chăng dây, quây kín, người dân không thể vào đây để tham quan. Đồng cảnh ngộ là Công viên Việt Hưng. Năm 2019, Công viên Việt Hưng được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt vào danh mục xã hội hóa kêu gọi đầu tư, cải tạo và xây dựng mới trên khuôn viên có sẵn.

Theo đó, tiến độ dự án cải tạo được duyệt thực hiện trong giai đoạn 2020-2022 theo hạng mục cải tạo tường rào, hệ thống kè, cổng, điện chiếu sáng và hạ tầng kỹ thuật; xây dựng mới khu luyện tập thể dục thể thao, khu dịch vụ... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án cải tạo nâng cấp công viên vẫn chưa được thực hiện, hạ tầng cơ sở ngày càng xuống cấp. Nhiều đường đi trong công viên cỏ dại mọc um tùm, rác thải tràn ra đường đi, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Nhiều đèn chiếu sáng trong công viên bị hư hỏng, hàng rào bao quanh hồ có nhiều đoạn bị sụt lún, nghiêng ngả nhưng vẫn chưa được thay thế, gây mất an toàn... Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Công viên Chu Văn An, Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang hay Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội...

Ngay cả những công viên đã đi vào hoạt động cũng có nhiều công viên rơi vào tình cảnh xuống cấp. Với diện tích khoảng 50ha, Công viên Thống Nhất là một trong những công viên lớn nhất của Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hạng mục trong Công viên Thống Nhất như đường đi, vỉa hè... đã xuống cấp, mất an toàn cho người dân trong quá trình vui chơi, tập thể dục tại đây. Một số trò chơi ra đời cách đây vài chục năm như tàu hỏa, đu quay... nay nằm phơi mưa nắng, không ai ngó ngàng...

Không chỉ riêng Công viên Thống Nhất, hàng loạt công viên, vườn hoa, dù có từ lâu hay mới xây dựng đều đang lâm vào tình trạng bị xuống cấp, các trò chơi ngoài trời hầu như đều bị hư hỏng, vài thứ không sử dụng được như có thể thấy ở Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Công viên hồ Đền Lừ, Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai)...

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định: “Bên cạnh sự cố gắng của Hà Nội trong việc tạo những không gian xanh, đặc biệt là phong trào “1 triệu cây xanh”, hiện tại Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức như dân số ngày một đông, các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy nhiều, gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể, mặc dù Hà Nội được mệnh danh là thành phố của cây xanh và mặt nước nhưng tỷ lệ cây xanh trên đầu người của chúng ta thấp hơn 15 lần so với nhiều nước trên thế giới... Trong khi đó, chúng ta để lãng phí rất nhiều không gian công cộng.

Ví dụ như Công viên Tuổi trẻ, đã qua 20 năm mà nay vẫn còn bị lấn chiếm bởi nhiều nhà hàng, vũ trường, hồ trong công viên cũng bị thu nhỏ lại... Công viên Hòa Bình cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi chúng ta bỏ ra hàng trăm tỷ để xây dựng nhưng hiện tại nơi này đang bị “bỏ bê” với nhiều hạng mục bị hư hỏng... Thêm vào đó, tôi thấy hầu hết các công viên lớn ở Hà Nội như Thống Nhất, Cầu Giấy, Hòa Bình, Nghĩa Đô... đều có tường rào bao quanh, điều này hạn chế người dân tiếp cận công viên dù rất muốn, buổi tối hầu như các công viên không được sử dụng, không mấy ai dám vào bởi lo ngại về an toàn...”.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, đó là một sự lãng phí trong khi công viên là phải “mở”, bởi đó là không gian dành cho cộng đồng. Ngoài ra, một số công viên bị đe dọa bởi các dự án xây dựng bãi đỗ xe, khách sạn. Lợi nhuận từ các dự án bất động sản quá lớn khiến người ta quên đi rằng công viên còn có giá trị văn hóa, đóng góp cho bản sắc của đô thị, định vị thương hiệu của Hà Nội.

Trò chơi trẻ em trong Công viên Thống Nhất ngày càng xuống cấp, lạc hậu, kém hấp dẫn.

Một sự lãng phí lớn

Luật Đất đai năm 1993, 2003, 2013 đều quy định rằng, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính) hiện có không ít dự án xây dựng công viên bị chậm tiến độ, dù kéo dài hàng chục năm nhưng vẫn không bị thu hồi. Điều này làm lãng phí tài nguyên đất và làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để tránh lãng phí nguồn đất, khoảng không quý giá của Thủ đô, chúng ta cần tiến hành rà soát một cách tổng thể, dựa theo những tiêu chí phù hợp để đánh giá, phân loại các dự án và có hướng xử lý thích hợp. Nếu chủ đầu tư không có khả năng đầu tư hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai thì bắt buộc phải thu hồi. Đối với những dự án đã chuyển nhượng thì phải xem xét xem doanh nghiệp thứ cấp có đủ khả năng triển khai dự án hay không, nếu không đủ thì cũng phải thu hồi.

Còn KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định, để không còn tình trạng thiếu - thừa khoảng không gian công cộng một cách lãng phí, chúng ta cần xác định tư duy quản trị đô thị thông qua văn hóa. Nếu chúng ta coi trọng các khoảng không gian xanh, coi công viên không chỉ là nơi cải thiện bầu không khí mà còn là một điểm nhấn văn hóa, một yếu tố quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa thì khi ấy không gian xanh mới được bảo vệ, coi trọng đúng mức.

Gia Khánh