Nâng cao hiệu quả quản lý thuế thương mại điện tử
Tài chính - Ngày đăng : 06:46, 16/08/2022
Theo Tổng cục Thuế, hiện nay Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch. Tương ứng, số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt/ngày.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh thông tin, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử tại Việt Nam đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc quản lý nguồn thu, đối tượng nộp, xác định căn cứ tính thuế; phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế; kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế; kiểm soát dòng tiền...
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách; trong đó Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Bộ Tài chính cũng đã phê duyệt Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”, trong đó chú trọng hoạt động cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ thuế. Cùng với đó, ngành Thuế đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, đôn đốc người nộp thuế tự khai, nộp thuế theo quy định...
Nhờ đó, số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay từ năm 2018 đến ngày 14-7-2022 đạt 5.458 tỷ đồng, tăng bình quân 130%/năm, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Sau khi triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (từ ngày 21-3-2022), đến ngày 15-7-2022, 25 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký, kê khai thuế và nộp thuế. Việt Nam đã trở thành một trong 4 nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) nhận định, những khó khăn, thách thức trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới xuất phát từ đặc điểm mô hình kinh doanh này gắn với công nghệ hiện đại. Kết quả chống thất thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử thời gian qua cũng gắn với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo nền tảng cho cơ quan chức năng sử dụng công nghệ để kiểm soát giao dịch thương mại điện tử. Vì vậy, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, nhất thiết phải áp dụng công nghệ ở một trình độ ngày càng cao trong quản lý thuế. Trong đó, cần xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet, làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc thanh tra, kiểm tra, ấn định thuế; phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất...
Còn Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho hay, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế. Cùng với đó là hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn thương mại điện tử và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
“Đặc biệt, ngành Thuế tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo về trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử (kết hợp cơ sở dữ liệu từ hóa đơn điện tử, thương mại điện tử)”, ông Đặng Ngọc Minh thông tin.