Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh các dự án điện trọng điểm: Cần sự sâu sát, vào cuộc đồng bộ
Kinh tế - Ngày đăng : 11:24, 17/08/2022
Vẫn còn “điểm nghẽn” thi công dự án điện
“Điểm nghẽn” ấy là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở một số địa phương, chẳng hạn như với dự án đường dây 220kV mạch kép đấu nối Trạm biến áp 220kV Bắc Quang. Đây là công trình trọng điểm có quy mô 2 mạch, dài hơn 43km, gồm 117 vị trí móng cột, từ huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) đến huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Công trình được đầu tư nhằm giải tỏa hết công suất của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang lên hệ thống điện quốc gia, qua đó nâng cao độ an toàn, ổn định khi cung cấp điện cho hệ thống điện miền Bắc nói chung và các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái nói riêng.
Ông Phùng Bảo Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý các công trình điện miền Bắc, đơn vị được Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) giao nhiệm vụ quản lý dự án, cho biết: Theo tiến độ phê duyệt, dự án này cần phải đóng điện trước ngày 30-6-2022, tuy nhiên đến nay, việc giải phóng mặt bằng phục vụ thi công vẫn còn nhiều vướng mắc khiến dự án chưa thể triển khai các hạng mục còn lại.
“Nguyên nhân chính vẫn là công tác giải phóng mặt bằng chậm. Hiện toàn tuyến đường dây còn 1 vị trí cột và 14 khoảng néo trên địa bàn huyện Lục Yên và 1 vị trí cột và 10 khoảng néo trên địa bàn huyện Bắc Quang đang bị nghẽn trong giải phóng mặt bằng, chưa thể thi công” - ông Phùng Bảo Anh nói.
Làm việc với một số địa phương mới hiểu vì sao tồn tại những “điểm nghẽn” ấy. Đó là sự chưa sâu sát của chính quyền địa phương. Đơn cử như tại huyện Lục Yên, khi hỏi về lý do chậm giải phóng mặt bằng, ông Đặng Minh Hiệp, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lục Yên viện lý do Trung tâm có ít người lại kiêm nhiều phần việc khác nhau.
Với dự án đường dây 220kV mạch kép đấu nối Trạm biến áp 220kV Bắc Quang đang triển khai trên địa bàn huyện, ông Hiệp cho biết, với hộ dân chưa nhận đền bù gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền xã mời họ lên làm việc nhiều lần và đang tiến hành các bước theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, khi được hỏi nếu vận động, thuyết phục nhiều lần và tiến hành đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật mà hộ dân không chấp hành thì huyện có tiến hành cưỡng chế hay không, ông Hiệp không đưa ra câu trả lời...
Thực tế, khó khăn của Dự án đường dây 220kV mạch kép đấu nối Trạm biến áp 220kV Bắc Quang chỉ là một trong số ít các ví dụ. Hiện tại, nhiều dự án của ngành Điện, đặc biệt là truyền tải để giải tỏa công suất nguồn điện vẫn đang bị chậm trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Có thể kể đến Dự án cụm Vân Phong 1 và đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm; Dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Dự án đường dây 500kV Đức Hòa - Chơn Thành đoạn đi qua tỉnh Bình Dương... Trong khi dự báo nhu cầu phụ tải đang ngày một tăng cao thì việc chậm triển khai, đưa vào hoạt động các dự án truyền tải dẫn đến nguy cơ thiếu điện.
Tính cấp bách của các dự án điện trọng điểm
Tại cuộc họp mới đây với EVN về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 và tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với ngành Điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo là phải bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu EVN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần có quyết tâm cao nhất, làm hết trách nhiệm theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tuyệt đối không được trì trệ làm chậm tiến độ các dự án. Các bộ, ngành liên quan phải tăng cường phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia.
Chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy sự cấp bách phải đẩy nhanh tiến độ các dự án điện trọng điểm khi dự báo phụ tải điện đang tăng cao trở lại. Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy rõ hơn điều này. Theo đó, GDP quý II-2022 tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong hơn 1 thập niên qua. GDP 6 tháng cũng tăng 6,42%. Đây là minh chứng cho bức tranh kinh tế khởi sắc rõ nét và nhiều lĩnh vực đang đà phục hồi mạnh mẽ. Điều đó tạo áp lực trong việc bảo đảm nguồn cung ứng điện.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, tăng trưởng nguồn điện của Việt Nam đạt 12,9%/năm, tăng trưởng phụ tải 10%/năm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nguồn điện. Nhưng tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ vẫn diễn ra: Vào mùa khô, miền Bắc thường bị thiếu điện, việc hỗ trợ kéo điện từ miền Trung và miền Nam bị giới hạn bởi truyền tải.
Còn ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia thông tin, tổng công suất phát điện của Việt Nam hiện nay khoảng 77.000 MW, từ đầu năm đến nay về cơ bản đáp ứng đủ cung cầu. Tuy nhiên, dù công suất đủ lớn nhưng việc vận hành có hạn chế, dẫn đến suy giảm công suất vào mùa khô do hệ thống nhiệt của các nhà máy suy giảm, thủy điện giảm sản lượng. Trong tổng công suất 77.000 MW thì có đến 16.000 MW là điện mặt trời, chỉ phát ban ngày đến 13h trong khi nhu cầu sử dụng điện của người dân thường cao nhất vào lúc 18 - 19h. Ngoài ra, điện gió hiện chỉ đóng góp khoảng 350 - 400 MW dù công suất lắp đặt là 4.000 MW...
“Mỗi năm, nhu cầu tăng trưởng phụ tải cho nhu cầu điện là 4.000 - 5.000 MW. Theo số liệu, nguồn cung trong các năm tới tăng khoảng 2.500 - 4.000 MW, thiếu hụt 1.000 - 1.500 MW, đặc biệt là ở miền Bắc” - ông Trung nói.
Thực tế nói trên cho thấy tính cấp bách của các dự án điện trọng điểm. Như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đang là vấn đề “nóng”. “Hai năm 2022 - 2023 là cao điểm thực hiện đầu tư, nếu nhu cầu điện không được đáp ứng thì tốc độ phục hồi kinh tế sẽ bị chậm lại” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Do vậy, để các dự án nguồn điện kịp thời triển khai, hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì bên cạnh nỗ lực của chủ đầu tư là EVN và các đơn vị thành viên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân nơi có dự án đi qua. Có như vậy thì sự đầu tư các dự án nguồn điện mới phát huy tối đa hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.