Đề xuất không sử dụng thiết bị nghe nhìn cá nhân, điện thoại trong phiên họp kín, họp về nhân sự
Chính trị - Ngày đăng : 11:38, 17/08/2022
Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Nội quy sửa đổi lần này gồm 24 vấn đề mới. Trong đó, trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Đối với hình thức tiến hành kỳ họp, phiên họp của kỳ họp, căn cứ tình hình thực tiễn, Quốc hội tiến hành kỳ họp hoặc các phiên họp của kỳ họp theo 3 hình thức: Trực tiếp; trực tuyến; kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Về vai trò của chủ tọa, người điều hành phiên họp, dự thảo Nội quy sửa đổi đang được thể hiện theo hướng bổ sung quy định chủ tọa, người điều hành phiên họp có quyền linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình; được quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận hoặc phát biểu nếu đại biểu phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc không phát biểu, tranh luận đúng nội dung.
Dự thảo Nội quy sửa đổi cũng đã nội quy hóa đổi mới trong hoạt động chất vấn đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đó là giảm thời gian chất vấn và chất vấn lại xuống 1 phút. Theo đó, thời gian tranh luận cũng chỉ nên trong khoảng 1-2 phút.
Bên cạnh đó, dự thảo quy định các đại biểu Quốc hội, các cá nhân khác được mời tham gia phiên họp tại kỳ họp Quốc hội không sử dụng các thiết bị nghe nhìn cá nhân, điện thoại di động trong phiên họp kín, phiên họp về nội dung nhân sự để bảo đảm trật tự, bảo mật, an toàn thông tin trong thời gian tiến hành phiên toàn thể.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ khái niệm “tranh luận”, “chất vấn”, “chất vấn lại” để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ nguyên thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận hội trường là 7 phút; tán thành bổ sung quy định vai trò của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp có quyền linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình; được quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận hoặc phát biểu nếu đại biểu phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc không phát biểu, tranh luận đúng nội dung.
Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành quy định chỉ đại biểu Quốc hội đã chất vấn mới có quyền tranh luận với người bị chất vấn; giảm thời gian mỗi lần chất vấn xuống 1 phút, thời gian tranh luận là 2 phút...
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ sung dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp.