Đề xuất thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở
Chính trị - Ngày đăng : 17:22, 17/08/2022
Quy định việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương và 79 điều (trong đó bỏ 25 điều, bổ sung mới 30 điều), tăng 5 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba.
Dự thảo luật đã chỉnh lý quy định về nội dung, hình thức nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát. Theo đó, công dân kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với các nội dung mà nhân dân đã bàn và quyết định; còn đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật nói chung thì người dân thực hiện quyền giám sát.
Công dân có thể trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua các hoạt động lao động, sản xuất, học tập, làm việc, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động…, hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (ở xã, phường, thị trấn); thông qua hoạt động của các thiết chế đại diện (như đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND), tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên cũng như các tổ chức tự quản khác tại cơ sở.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện một bước các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng lao động nói chung trong dự thảo luật.
Về việc xác định chủ thể tham gia bàn, quyết định những nội dung ở thôn, tổ dân phố, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế và tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện thống nhất, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị xác định chủ thể tham gia bàn, quyết định các vấn đề ở thôn, tổ dân phố là “đại diện hộ gia đình”.
Nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn, quyết định những nội dung quy định tại luật này bằng một trong ba hình thức: Tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố; phát phiếu biểu quyết, lấy ý kiến tới từng hộ gia đình trong trường hợp không tổ chức cuộc họp thôn, tổ dân phố; trường hợp pháp luật có quy định khác về việc tổ chức toàn thể cử tri trên địa bàn, quyết định về một số nội dung cụ thể thì thực hiện theo quy định đó.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả loại hình cơ sở nhằm bảo đảm sự bình đẳng và bảo đảm có cơ chế để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập.
Bổ sung quyền được cung cấp thông tin về chế độ, chính sách
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đồng tình với việc xác định chủ thể tham gia bàn, quyết định các vấn đề ở thôn, tổ dân phố là “đại diện hộ gia đình”, bởi việc sử dụng từ “cử tri” dễ gây nhầm lẫn với khái niệm “cử tri” được sử dụng trong pháp luật về bầu cử, chưa thực sự khả thi, không xác định được trường hợp nào thì toàn thể cử tri, trường hợp nào thì cử tri đại diện hộ gia đình được tham gia bàn và quyết định các vấn đề của cơ sở.
Thảo luận về dự án luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị củng cố nội dung trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng lao động, bảo đảm quyền làm chủ của công dân.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhận định, Ban Thanh tra nhân dân không chỉ có giá trị trong khu vực dân cư mà có giá trị trong cả các đơn vị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp; việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở các doanh nghiệp sẽ làm tốt hơn công tác thực hiện dân chủ, không gây ra xung đột.
Về quy định về quyền thụ hưởng của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung người dân được yêu cầu cung cấp thông tin về chế độ, chính sách liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của địa phương, nhất là các chế độ, chính sách an sinh xã hội của trung ương và địa phương.
Đồng chí Vương Đình Huệ nêu quan điểm, việc xác định chủ thể “đại diện hộ gia đình” ở khu dân cư là chính xác, nhưng việc xác định chủ thể như vậy ở doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng lao động thì cần rà soát lại để bảo đảm phù hợp.
Phát biểu giải trình thêm một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo luật đã được chỉnh lý để thể chế hóa rõ nhất phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện chương riêng liên quan đến thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng lao động nhằm thể hiện đầy đủ, rõ hơn nữa phương châm nêu trên.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất sau khi chỉnh lý, dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư.