Dồn lực thực hiện mục tiêu an sinh
Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 18/08/2022
Kết quả chưa như kỳ vọng
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến đầu tháng 8-2022, cả nước có hơn 16,88 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 34,1% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng khoảng 330.000 người so với thời điểm cuối năm 2021. Bảo hiểm y tế có hơn 91,76 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 87,6% dân số, giảm hơn 2,15 triệu người so với thời điểm cuối năm trước.
Trong khi đó, năm 2022, Chính phủ giao ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đưa số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,7% dân số. Như vậy, những tháng cuối năm, cả nước cần phát triển thêm gần 2,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội và gần 5,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Con số này lớn gấp nhiều lần số người đã tham gia từ đầu năm đến nay, nên không dễ cán đích.
Theo Trưởng ban Quản lý thu - sổ - thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào, số người tham gia bảo hiểm xã hội thời gian qua chưa đạt kết quả như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân. Với bảo hiểm xã hội bắt buộc, một bộ phận không nhỏ người lao động dừng tham gia bảo hiểm xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay chưa trở lại. Tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động chưa khắc phục triệt để, khiến một số người chưa có tên trên hệ thống an sinh. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có tiềm năng lớn để phát triển, nhưng từ ngày 1-1-2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng theo mức chuẩn nghèo, dẫn đến nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện tham gia, thậm chí có trường hợp đã tham gia, nhưng xin dừng lại…
Về bảo hiểm y tế, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc chỉ rõ, do đời sống của một số người dân gặp khó khăn, nên họ không có khả năng trang bị tấm thẻ an sinh là bảo hiểm y tế cho bản thân cùng các thành viên trong gia đình…
Nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc
Với vai trò thực hiện chính sách, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, từ ngày 13-8 đến cuối tháng 8 này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức 4 đoàn công tác, trực tiếp làm việc với các tỉnh, thành phố để tìm hướng tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Cùng với đó, bảo hiểm xã hội các địa phương chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở huy động người dân ghi tên mình vào hệ thống an sinh xã hội.
Chẳng hạn, tại Hà Nội, từ ngày 1-8-2022 đến hết 31-12-2025, tùy từng trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, họ sẽ được hỗ trợ từ 20% đến 60% mức đóng hằng tháng (gấp đôi so với quy định chung). Bà Nguyễn Thị Hanh, tổ dân phố 7, thị trấn Chi Đông (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm vài chục nghìn đồng là cả gia đình tôi có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.
Ngoài mức hỗ trợ chung, 30/30 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đều có chương trình, kế hoạch cụ thể về phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tinh thần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bí thư Huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Văn Thọ cho biết: “Chúng tôi giao chỉ tiêu cho từng địa phương, đơn vị, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào đời sống. Bằng cách này, số người tham gia bảo hiểm xã hội ở huyện Quốc Oai hiện đạt 40,35% lực lượng lao động trong độ tuổi, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,9% dân số”.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, quận huy động thêm nguồn lực xã hội để tặng thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội cho họ, bảo đảm mọi người đều được tiếp cận với chính sách…
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Liên đoàn Lao động các cấp cùng cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, đối thoại với người lao động, người sử dụng lao động về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tại các đơn vị, doanh nghiệp, qua đó đôn đốc người lao động tham gia. Đặc biệt, các bên triển khai đồng bộ chính sách giúp người lao động ổn định đời sống, yên tâm làm việc, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lâu dài. Đối với học sinh, sinh viên, ngành Giáo dục và Đào tạo đang rà soát dữ liệu, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế trong năm học 2022-2023…
Với sự nỗ lực của nhiều ngành từ trung ương tới cơ sở, hy vọng, mục tiêu mở rộng diện bao phủ, phát triển thêm hàng triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022 sẽ dần cán đích.